Bạn có thể đến làng Bát Tràng qua cầu Chương Dương rồi đi theo con đường đê men theo bờ sông Hồng. Tuy nhiên con đường đê gần 10 km đầy "ổ gà" từ cầu Chương Dương đến Làng Bát Tràng không làm cho du khách thoải mái cho lắm. Bạn cũng có thể qua cầu Thanh Trì thì sẽ rút ngắn được đoạn đường ổ gà đáng kể. Bạn còn có thể đi theo tàu du lịch trên sông Hồng.
Làng Bát Tràng khang trang với những dãy phố sầm uất và những cửa hàng gốm sứ khắp nơi. Đầu làng có một ngôi chùa khá đẹp.
Tuy nhiên, chợ gốm Bát Tràng mới thực sự là điểm đến của du khách. Bạn có thể thoả thích ngắm nhìn, sờ tận tay những sản phẩm gốm thuần Bát Tràng. Từ những loại bình, lọ, bát kiểu dáng và màu sắc đương đại đến những loại chén, đĩa cổ được phục chế, các bộ tranh, tượng nghệ thuật từ chất liệu gốm... Bọn trẻ rất thích thú với những chuỗi vòng gốm được trang trí hoa văn độc đáo, hay những bầy thú xinh xắn, những cái chuông gió đủ sắc màu...
Du khách còn được giới thiệu các công đoạn sản xuất gốm sứ, cách vẽ hoa văn, phối màu men mà những người thợ thủ công dày công nghiên cứu. Chúng tôi đã đến thăm một xưởng gia công đồ gốm, được hướng dẫn nặn đồ gốm trên bàn xoay và trang trí vẽ hoa văn lên đồ gốm. Bọn trẻ cực kỳ thích thú với mấy trò này, chúng say sưa cả buổi sáng và sau đó hân hoan cầm về sản phẩm mà chúng tạo ra. Chi phí cho tham quan xưởng gốm và nghịch đất sét, bột màu là 10 ngàn đồng cho mỗi người.
Chợ gốm có hàng trăm gian hàng với chủng loại, mẫu mã rất đa dạng. Giá cả các mặt hàng gốm rất hợp lý và hấp dẫn, khiến cho du khách ai cũng ra về với vài túi hàng gốm nặng trĩu. "Chiến lợi phẩm" của tôi bao gồm mấy cái lọ hoa bằng gốm rất bắt mắt với giá 30-40,000 đồng, một bộ ấm chén pha trà giá 50,000 đồng, một cái chuông gió màu xanh ngọc giá 25,000 đồng, hai bộ cốc uống ca fe giá 30- 60,000 đồng.
Một ngày nghỉ đi du lịch thật thú vị với làng nghề Bát Tràng. Bạn có thể thử làm một tour Bát Tràng để tận hưởng thú vui ngắm nhìn, dạo chơi, mua sắm cho mình và gia đình.
No comments:
Post a Comment