15 September 2024

Ninh Bình du ký

#NinhBình xưa kia được dân địa phương gọi là Ninh .... Buồn, vì không có gì vui chơi giải trí. Tuy nhiên ngày nay Ninh Bình là điểm đến du lịch nóng bỏng của Việt Nam.

Vì Ninh bình gần Hà Nội, có thể đi về trong ngày, mình đã có cả chục chuyến đi đến Ninh Bình trong vòng 15 năm qua, mỗi chuyến đi đến một vài điểm du lịch, cũng có chuyến lặp lại ở một địa điểm vì lý do mùa đẹp, hay vì lý do dẫn bạn thăm quan.
Bài viết này tổng hợp lại 10 điểm du lịch đẹp và hấp dẫn nhất của Ninh Bình mà mình đã đến.

1. Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, lưu trữ nhiều loài động vật, thực vật đa dạng và phong phú của Việt Nam. Rừng Cúc Phương sở hữu nhiều cây cổ thụ nhiều năm, các loài chim tuyệt đẹp… là địa điểm tuyệt vời cho những chuyến dã ngoại ngoài trời.


Rừng Cúc Phương có tổng diện tích là 22.200 ha, thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình. Tại đây có rất nhiều hang động với cảnh quan kỳ thú và ẩn chứa những chứng tích văn hoá lịch sử lâu đời như động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thuỷ Tiên, động Người Xưa, hang Con Moong, động San Hô...

Động người xưa còn có tên là hang Đắng. Đây là nơi lưu giữ những dấu tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, là một di sản quý của vườn Cúc Phương. Đường leo lên đây khá đơn giản và rất đẹp, 300m từ đường chính. Điểm đến không nên bỏ qua khi đến với rừng Cúc Phương.
Cây đăng cổ thụ: là một cây đại thụ cao 45m, đường kính tới 5m và có bộ rễ nổi trên mặt đất chạy dài chừng 20m. Từ cổng theo đường ô tô, qua động Người Xưa chừng 2 km, phía bên trái là đường dẫn đến cây đăng cổ thụ dài 3 km. Vượt qua 5 dốc đá, với nhiều quần xã thực vật. Đó là cây bẩy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa); là những dây leo thân gỗ đường kính 20–30 cm dài khoảng 100m, chỉ có ở Cúc Phương. Trên đường tới cây đăng có thể quan sát những loài chim quý như nuốc bụng đỏ, gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như đon, sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng...
Cây chò ngàn năm: là cây đại thụ cao 45m, đường kính 5m và có chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Từ trung tâm theo một con đường mòn trong rừng già để đến cây chò. Du khách sẽ gặp trên đường dây leo bàm bàm khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài 1 km vắt ngang rừng và loài Đa bóp cổ. Hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác. Khi rễ của chúng đã bám đất phát triển rất nhanh, dần bóp chết cây chủ. Du khách còn được chiêm ngưỡng những cây Chò chỉ cao tới 70m, thân thẳng, tròn đều. Thời gian cả đi và về cho tuyến này hết gần 3 tiếng.
Cây sấu cổ thụ là cây đại thụ cao 45m, hệ thống rễ bạnh vè được phân ra từ thân cây ở độ cao khoảng 10m rồi phát triển chạy dài tới 20m. Trên đường đến Cây sấu, du khách cũng được chiêm ngưỡng những dây leo thân gỗ; những loài Đa góp cổ; những loài thực vật phụ sinh như tầm gửi, tổ diều, phong lan; các loài chim như gõ kiến đầu đỏ, đuôi cụt bụng vằn...

Tuyến đường khoảng 8km cả đi về theo 1 vòng tròn khép kín, leo qua mấy quả núi,  khá là mạo hiểm, nếu có sự cố gì thì không thể liên lạc được với thế giới văn minh, không có sóng điện thoại, không có 3G. Rất may mà về đến điểm khởi hành ban đầu an toàn sau 2,5h, thực hiện thành công việc chinh phục được tuyến đường hiểm hóc này sau 2 lần đến rừng Cúc Phương.





2.  Khu du lịch Hang Múa  quả là danh bất hư truyền, chưa đến Hang Múa thì chưa thể nói đã đến với du lịch Ninh bình. Trên đường 491C đến Tam Cốc-Bích Động, cách Tam Cốc 2km rẽ phải (gần UBND xã Ninh Thắng) khoảng 2km nữa là đến Hang Múa. Vé vào cửa điểm du lịch này hơi cao, 100K. Tuy nhiên khi tham quan xong địa điểm này thì mình cho rằng cũng xứng đáng vì nó quá đẹp. Cả bọn vừa leo núi Múa vừa xuýt xoa ngắm cảnh và chụp hình. Góc nhìn từ trên cao thật tuyệt. Núi non nhấp nhô xanh thẫm, dòng sông Ngô đồng uốn lượn giữa những đồng lúa xanh rờn, điểm xuyết những mái nhà ngói đỏ. Mùa lúa chín còn đẹp hơn nữa với những cánh đồng lúa vàng óng trải dài dọc sông Ngô Đồng.

Khu du lịch Hang Múa được ca ngợi là một trong những địa điểm check in đẹp nhất Ninh Bình hay Vạn lý trường thành phiên bản Việt. Hang Múa cũng được báo chí xếp vào danh sách những địa điểm không thể bỏ lỡ ở miền Bắc. Vượt qua cả Tràng An, Tam Cốc và chùa Bái Đính, Hang Múa xuất sắc đứng đầu top 5 điểm đến tại Ninh Bình trên trang du lịch số 1 thế giới TripAdvisor. Hang Múa cũng là một trong những địa điểm có tên gọi kỳ lạ nhất Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ngày xưa khi vua  Trần Thái Tông  dời đô về Hoa Lư lập Am Thái Vi, vua thường đến hang núi này nghe các cung tần mỹ nữ đàn ca múa hát nên từ đó người dân gọi nơi đây là Hang Múa. Từ xa đã nhìn thấy núi Múa hình quả chuông lớn úp ngược với đường lên đỉnh núi được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc của Vạn Lý Trường Thành với 486 bậc đá. Khu  du lịch Hang Múa có một hồ nhân tạo khá lớn màu xanh rêu cổ kính, xung quanh là những hàng cây xanh rợp bóng mát tạo một không gian vô cùng thoáng mát. Trên đỉnh núi đặt một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát mắt nhìn xuống vùng đất cố đô xưa. Từ điểm này là một góc nhìn tuyệt đẹp bao quát cả một vùng đất Hoa Lư rộng lớn. Khi đứng từ đỉnh núi Múa có thể ngắm trọn vẻ đẹp của Tam Cốc, đặc biệt trong mùa lúa chín. Đây là địa điểm đẹp nhất để ngắm Tam Cốc, vùng sơn thủy hữu tình với dòng sông Ngô đồng uốn lượn qua những cánh đồng lúa dưới những ngọn núi đá vôi trùng điệp.

Khi đến với Hang Múa du khách sẽ được thử sức dẻo dai của mình khi leo lên đỉnh núi qua 486 bậc thang đá, và từ đỉnh núi có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp rực rỡ của khu vực Tam Cốc với những cánh đồng lúa bạt ngàn màu vàng pha lẫn xanh. Điểm cộng của khu du lịch Hang Múa là phong cảnh đẹp trên con đường dẫn lên đỉnh núi Ngọa Long và đảo nhỏ nằm giữa hồ nước ở chân núi.  Mùa hè cũng là mùa của hoa phượng, hoa giấy rực rỡ sắc màu trên đường leo núi và bên hồ nước trong khu du lịch. Khu du lịch Hang Múa có một đầm sen đẹp nhất Việt nam với nhiều góc chụp bên hồ bên núi vô cùng ngoạn mục.





3. Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham là một trong những điểm du lịch nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Với diện tích 34,2 ha, khu du lịch Thung Nham được cải tạo theo kiến trúc sinh thái tổng hợp: du lịch câu cá, du lịch miệt vườn, leo núi, du lịch tham quan rừng ngập nước, rừng nguyên sinh, các hang động, vườn chim hoang dã.  Cảnh quan trên đường dạo quanh hồ nước cũng rất đẹp làm nền  cho những tấm hình đẹp long lanh.
Hang Bụt là một hang đá tự nhiên dài 500m. Đặc biệt trong hang có hình ông Bụt như đang hiện hữu ngồi bên cạnh dòng sông ngầm để ban tặng những điều may mắn và tốt lành cho du khách.
Một điểm tham quan khá đặc biệt là cây Đa Di Chuyển nghìn năm tuổi hay còn gọi là cây Đa Xoay. Theo tương truyền, cây Đa đã di chuyển 4 lần quanh Linh Thần Miếu và được các nhà khoa học đánh giá mỗi bước di chuyển kéo dài hơn 300 năm.
Điểm nhấn thú vị nhất là vườn chim. Lúc đi có thể thả bộ ven hồ theo một lối mòn vắng vẻ và xanh ngắt bóng cây. Lúc về có thể ngồi thuyền len lỏi trong khu rừng ngập nước, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên sông nước với hai bên là những hàng cây hoa lau, sậy trắng tựa vào những dãy núi đá vôi trùng điệp phủ một màu xanh ngát. Vườn chim là một đảo nhỏ, nơi làm tổ của nhiều loài chim nước, điển hình là: cò, diệc, vạc... Khi hoàng hôn xuống, từng đoàn chim đi kiếm ăn bay về đây trú ngụ qua đêm. Chim bay về đậu chật kín khu đất ngập nước ở trong thung, tạo thành một cảnh quan sơn thủy độc đáo. Mình đến sớm nên không chụp được cảnh chim bay rợp trời về tổ, chỉ có vài con lác đác đậu trên cây, tung cánh bay khi có thuyền ngang qua...






​4. Khu du lịch​ Tràng an ​được ví như Hạ Long trên cạn của Việt Nam. Đi sớm nên đến Tràng An mới có hơn 7h sáng, bến thuyền du lịch vắng hoe. Sau khi mua vé 400K cho một thuyền 4 người, nhóm mình được xếp vào một thuyền nan để khởi hành. Cty du lịch quản lý bến thuyền rất sạch sẽ và trật tư. Không có cảnh lôi kéo giành giật khách như ở Chùa Hương. Du khách mua vé trong quầy rồi đem ra đưa chủ thuyền để lên thuyền. Các chủ thuyền xếp hàng trật tự chờ đến lượt phục vụ du khách. Nghe nói mỗi gia đình ở đây được phân bổ một thuyền, vì vậy số lượng thuyền quá nhiều so với nhu cầu. Nếu không phải mùa lễ hội, nghe nói một chủ thuyền có thể  chỉ được 4-5 chuyến/tháng. Còn nếu vào mùa lễ hội, may ra chủ thuyền mới được 1-2 chuyến/ngày.
Tour du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ bến thuyền của khu đón tiếp trung tâm, qua các điểm du lịch: Đền Trình - xuyên hang Địa Linh - xuyên hang Tối - xuyên hang Sáng - xuyên hang Đền Trần - Đền Trần - xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại - xuyên hang Si - xuyên hang Sính - xuyên hang Tình - xuyên hang Ba Giọt - xuyên hang Nấu Rượu - Phủ Khống - xuyên hang Phủ Khống - xuyên hang Trần - xuyên hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền). Tuyến đường tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Trong các hang động là hệ thống nhũ đá tự nhiên cùng dòng nước mát lạnh, men theo những lối mòn hằn sâu trên vách hang, tạo thành hàng nghìn dòng chảy uốn lượn. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng, mọi thứ đều long lanh với những nhũ đá pha cát óng ánh kỳ lạ. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ trùm cả miệng hang.  Hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang phát hiện có nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu. Mỗi hang ở đây đều có sự tích. Những cái tên hang Si, hang Sính, hang Ba Giọt chính là những đoản khúc của một câu chuyện tình: Có chàng trai si mê một người con gái, mong muốn được cưới nàng làm vợ, song giấc mộng không thành, chàng trai đã quyên sinh để chứng tỏ tình yêu của mình. Động lòng trước mối tình trong sáng nhưng trắc trở, ngàn năm nay đá trong hang Ba Giọt vẫn nhỏ lệ. Người ta quan niệm, đi qua hang này, ai đưa tay đón đủ 3 giọt nước, người ấy sẽ gặp may mắn trong tình yêu, bởi bao nhiêu đắng cay chàng trai đã gánh chịu.
Mùa mưa nên thời tiết thất thường như ... phụ nữ. Trong tuyến đường vòng quanh các hồ và hang động, chúng tôi có đủ mây, mưa, nắng làm phông nền cho các bức ảnh của mình. May mà mưa nhỏ, vừa đủ cho ướt dù, và nắng cũng nhẹ nhàng đủ để cho các tấm ảnh thêm tươi tắn.
Đền Trình là nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua.Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Tại đây còn có đền Tứ Trụ thờ 4 vị quan thân cận của Đinh Tiên Hoàng Đế là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
Đường lên Đền Trần với hơn 700 bậc thang cheo leo, khúc khuỷu. Mệt đứt hơi nhưng bù lại được ngắm nhìn cảnh đẹp như tranh vẽ từ độ cao của đền Trần.​ Đền Trần do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Nước hồ trong veo và xanh màu cẩm thạch hòa quyện với sắc xanh của rừng cây ven bờ. Rất nhiều rong tảo mọc um tùm dưới nước và ảnh hưởng của đá vôi đã tạo nên sắc xanh cẩm thạch của nước. Hoa súng nở tím ngắt ven bờ cạnh những cửa hang. Cảnh đẹp như chốn thiên thai. Cảnh đẹp Tràng An được coi là “núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”.
Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Sân phủ có cây thị nghìn năm tuổi có 2 loại quả tròn và dẹt.
UNESCO ​đã công nhận khu du lịch sinh thái Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. 






5. Khu du lịch​ Tam Cốc, có nghĩa là "ba hang", hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng chảy xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.
Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 1,5 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).

Nếu đi đúng mùa vàng Tam Cốc, nhất định phải leo lên mấy điểm view point đẹp muốn nín thở. Điểm thứ nhất (cũng đẹp nhất) là điểm trên đỉnh núi phía trái đường vào Tam Cốc leo từ hang Hai. Đường leo núi dốc ngược trong một khe núi đẹp tuyệt giữa hai vách đá. Đường này mới khai thác, trước đây phải leo bằng thang dây khá nguy hiểm và khó khăn. Điểm thứ hai là góc rẻ quạt giữa hang Cả và hang Hai phía phải đường vào Tam Cốc. Điểm này leo trèo khá vất vả theo một số thang dây và thang tre. Điểm thứ ba ở phía trái đường vào Tam Cốc tại hang Cả. Điểm này dễ leo và không cao lắm. Điểm này hướng tây dành riêng cho ngắm và chụp hoàng hôn.
Tam Cốc - Bích Động có 4 điểm chụp ảnh từ trên cao xuống đẹp nhất gồm: đỉnh núi hang Cả, đỉnh núi Trái Bộ, đỉnh Chìa Vôi và đỉnh Ngọa Long Hang Múa. Đây là những điểm du lịch thuộc Photo tour Sắc vàng Tam Cốc- Tràng An diễn ra trong tháng 5 hàng năm.








6. Chùa Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là "động xanh", là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là là một trong những thắng cảnh được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" tức động đẹp thứ nhì trời Nam, đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động) ở Kẽm Trống. Phía trước động là dòng sông Hoàng Long uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.

Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được dựng từ đầu đời nhà Hậu Lê. Trong chùa có quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Lê Hiển Tông (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.

Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài Bích Động. Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Bình quân bề rộng của Xuyên Thủy động là 6m, chỗ rộng nhất là 15m. Trần và vách động bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng.

Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động.

Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ, được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói ta không có mấu, mũi lượn tròn, các góc của mái đều có đầu đao cong vút lên như hình lưỡi đao, hoặc như hình cái đuôi con chim phượng, làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển như sóng nước thuỷ triều, nhìn bán diện như hình một chiếc thuyền rồng ngoạn mục trôi trên nước hoặc như hai cánh chim đang dang rộng bay lên.

Núi bốn chung quanh nước bốn mùa
Thuyền nan nhè nhẹ mái chèo đua
Xôn xao sóng vỗ xung quanh động
Mờ mịt mây tuôn khắp cảnh Chùa

Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là Bích sơn bát cảnh, ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ. Chùa Bích Động nguyên có tên "Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng"- nghĩa là ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc, là một kiểu chùa trong hang động rất phổ biến.

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá thư thế là một kỳ công.
Từ chùa Hạ bước lên 120 bậc theo đường hình chữ S tới lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Ngay phía trước là hai chữ Bích Động tạc vào vách núi. Đây là một chùa rất độc đáo, ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục...
Lên chùa Thượng, du khách phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ phật bà Quan Âm. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Bích động là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Chùa Thượng có hai miếu hai bên: bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Trần. Cạnh chùa có một bể nước gọi là "bể nước Cam Lô" của Phật Bà Quan Âm. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động









7. Nhà thờ đá Phát Diệm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được xây dựng từ năm 1875, đến năm 1899 hoàn thành. Nét độc đáo của các công trình này ở chỗ là nhà thờ Công giáo được xây hoàn toàn bằng đá và gỗ theo kiến trúc cổ Việt Nam, mang dáng dấp của đình, đền, chùa và cung điện truyền thống. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục. Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng toàn bộ bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), 1 phương đình (tháp chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Cha Phêrô Trần Lục mong muốn rằng, qua công trình này nói lên tính chất hòa hợp giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam

Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp, tên Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ Phát Diệm được đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như "kinh đô công giáo" của Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) - linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm. Từ hướng Nam đi vào nhà thờ Phát Diệm gồm các phần: Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn và 4 nhà thờ nhỏ, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá.
Phương Ðình là khu vực đầu tiên trong kiến trúc của nhà thờ Phát Diệm. Ðây là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Nghệ thuật xây dựng Phương Ðình rất đáng khâm phục, với kỹ nghệ thủ công những người thợ địa phương đã ghép những phiến đá nặng hàng nghìn cân, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh rất đẹp với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg, quả chuông lớn ở Phương Ðình được đúc vào năm 1890. Mái của Phương Ðình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn, vòm cao nhất là vòm ở giữa tầng ba. Mái của Phương Ðình ở nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.

Nhà thờ lớn là nhà thờ chính được xây dựng năm 1891, có năm lối vào vòm đá được chạm trổ. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.
Nhà thờ đá còn được gọi là nhà thờ dâng kính trái tim Ðức Mẹ. Gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường.









8. Tòa Thánh đường Đan viện Châu Sơn được xây dựng vào năm 1939 do cha Phêrô Trần Đức Trưởng. Thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic với vật liệu chính là gạch đỏ không tô trát nên có một vẻ đẹp khác biệt, đặc trưng. Thánh đường với bức tường bao quanh dày tới 0,6 m, cột dày 1,2 m tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ khi vào hạ.
Điểm nhấn của Đan viện Châu Sơn phải kể đến những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng kéo dài 64 m. Thêm vào đó, bức tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, chính là nơi để du khách săn lùng những bức ảnh siêu đẹp.
Bên ngoài thánh đường là những bức tranh họa hình tượng chúa Giê-xu, hình người vác thánh giá cầu nguyện. Phía trong thánh đường là một dãy hành lang rộng có ánh sáng tự nhiên vừa đủ lọt vào hai hành lang tạo nên khung cảnh lãng mạn và ấm áp. Đan viện Châu Sơn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Nình Bình mà đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc là mái vòm trắng cao 21m trong lòng thánh đường.
Dạo bước trên dãy hành lang rộng của thánh đường thưởng ngoạn cảnh quan xung quanh, bạn sẽ cảm nhận được sự tôn nghiêm và vẻ đẹp của kiến trúc Á Âu hòa lẫn. Ngoài ra, đừng quên ghé qua khuôn viên sân vườn rộng lớn và xinh đẹp để tạo vài kiểu ảnh “check in trời Tây”.
Ngày thường, đan viện hạn chế khách du lịch nên du khách sẽ không được vào tham quan. Vào các dịp đầu tháng có thánh lễ, nhà thờ sẽ mở cửa cho người đến tham quan sau giờ lễ nguyện: Sáng: 8h – 10h30 (Chủ nhật đến 10h00); Chiều: 14h30 - 16h30 (Chủ nhật từ 15h30 - 16h30)







9. Chùa Bái Đính là một điểm du lịch hoành tráng và ấn tượng. Cũng như những điểm du lịch khác ở Ninh Bình, Chùa Bái Đính cũng do Cty XT quản lý khai thác. Dịch vụ, mội trường, cảnh quan nói chung rất ổn, chỉ có một điều làm mình khó chịu, đó là những người bán hàng rong và chụp ảnh dạo đông như kiến, đông hơn cả du khách trong những ngày thường.
Chùa Bái Đính với khuôn viên rộng 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới. Chùa được hoàn thiện sau hơn 10 năm xây dựng (từ 2003), chùa đạt rất nhiều kỷ lục bao gồm:

Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha)
Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ





10. Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử Việt Nam. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt. Từ năm 968 đến năm1009, có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại đóng đô tại đây.

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại từ thời Hậu Lê theo kiểu nội công ngoại quốc và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa. Trước mặt đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh.

Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký…

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền vua Lê qui mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.Tương truyền, bà mẹ mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn, trong lúc đi cấy ở cạnh ao sen. Bà đã ủ Lê Hoàn trong khóm trúc và được con hổ chúa rừng xanh ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ con hổ bỏ đi. Vì vậy mà nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam của các nghệ nhân ở đây cũng thống nhất với truyền thuyết về các đề tài ca ngợi Lê Hoàn.
Khu di tích lịch sử này rất đẹp, với hai đền thờ vua Đinh và vua Lê cạnh nhau, trước mặt là dãy Mã Yên có năm ngọn núi. Giữa trưa hè đến đây mà không cảm thấy nóng vì địa điểm này rợp bóng cây xanh và mênh mang hồ nước. Khuôn viên đền đài trầm mặc, yên tĩnh, mát rượi bóng cây.






No comments:

Post a Comment