Sóc Sơn với núi Sóc, đền Sóc, đỉnh Phù Linh, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam là một địa điểm thú vị cho những chuyến dã ngoại cuối tuần. Quần thể di tích này trải từ chân núi lên đỉnh núi Vệ Linh nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trước khi lên thăm các di tích trên ngọn núi này, hãy ghé thăm các di tích ở chân núi bao gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi và đền Thượng được bố trí rất gần nhau. Tâm điểm là đền Thượng, nơi thờ đức Thánh Gióng. Bên ngoài là ngôi đền gồm 5 gian hai chái, phía trong là hậu cung.
Đền Sóc Sơn được xây dựng từ thời Tiền Lê vào khoảng năm 980, đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu. Ngôi đền tọa lạc trên một vùng đất rộng rãi có khung cảnh tuyệt đẹp giữa không gian thoáng đãng. Ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội ba ngày tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng.
Những bậc thang phủ đầy rêu phong đưa ta lên chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) ở độ cao hơn 110m so với chân núi. Ngôi chùa này cũng là nơi tọa lạc của pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam. Tượng nặng 30 tấn cao hơn 8m (kể cả bệ đá). Nếu như chùa Non Nước được xếp hàng cổ nhất Việt Nam thì pho tượng là một kiệt tác lớn nhất trong tất cả các pho tượng phật liền khối ở Đông Nam Á.
Tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi Đá Chồng, đỉnh cao nhất (297m) của khu du lịch tâm linh Đền Sóc, nơi tương truyền dẹp xong giặc Ân, tráng sĩ Gióng cởi áo giáp, vẫy chào quê hương, thăng thiên hóa Thánh, trở thành vị thần số một trong "tứ bất tử".
Ý tưởng xây dựng tượng đài Thánh Gióng được ấp ủ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đã nhiều lần trưng cầu, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các nhà khoa học. Năm 2003, lễ phát động cuộc thi mẫu thiết kế tượng đài Thánh Gióng được tổ chức, và mẫu tượng Thánh Gióng bay lên trời theo thế thẳng đứng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã được lựa chọn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mẫu tượng đài toát lên thần thái và hình tượng của đức Thánh theo truyền thuyết. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, hào quang và những cây tre đằng ngà, Thánh Gióng cầm tre, thúc ngựa hướng về trời.
Mẻ đổ đồng đầu tiên khởi dựng tượng đúng thời khắc cửu trùng, lúc 9 giờ 9 phút 9 giây ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công có tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm năm thớt để đúc. Thớt đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt có trọng lượng lớn nhất là phần đế tượng nặng khoảng 30 tấn.
Bức tượng có chiều cao hơn 14 mét, độ vươn dài hơn 20 mét (tính cả bệ). Với tổng kinh phí 60 tỷ đồng (một nửa dành để đúc tượng), dự án do Giáo hội Phật giáo VN vận động bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đặc biệt, gây nhiều dư luận trái chiều trên báo chí khi ngày 23/9/2010, lễ yểm tâm tượng đài Thánh Gióng bằng 2 quả tim tượng được thực hiện. Theo đó, 2 quả tim Thánh Gióng và tim ngựa được đúc rỗng ruột, có cả 2 dây động mạch và tĩnh mạch do chính tác giả mẫu tượng đài là nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân thiết kế và được bàn tay vàng của Nghệ nhân đúc đồng Vũ Duy Thuấn thực hiện. Sau đó, ngày 26/9/2010 đã có các nghi lễ khai quang yên vị - Hô thần nhập tượng Đức Thánh Gióng và lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an của 500 nhà sư cùng Chư tôn Đức giáo phẩm của Trung ương GHPGVN.
Ngày 5/10/2010, thành phố Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành - công trình văn hóa trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Cổng vào đền Sóc
Toàn cảnh đền Thượng
Pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam, nặng 30 tấn cao hơn 8m
(Tư liệu tham khảo và biên tập từ net)
No comments:
Post a Comment