02 September 2012

Mênh mang Tràng An




Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Vẫn nhắc đến Tràng an như một “Hạ Long trên cạn”, một điểm cần phải đến mà mình vẫn chưa thu xếp đi được. Nhân dịp nghỉ lễ vài ngày, mình quyết định thuê một chuyến xe đi về trong ngày, thăm hai điểm Tràng An và Cúc Phương của Ninh Bình. Đi sớm nên đến Tràng An mới có hơn 7h sáng, bến thuyền du lịch vắng hoe. Sau khi mua vé 400K cho một thuyền 4 người, nhóm mình được xếp vào một thuyền nan để khởi hành. Cty du lịch quản lý bến thuyền rất sạch sẽ và trật tư. Không có cảnh lôi kéo giành giật khách như ở Chùa Hương. Du khách mua vé trong quầy rồi đem ra đưa chủ thuyền để lên thuyền. Các chủ thuyền xếp hàng trật tự chờ đến lượt phục vụ du khách. Nghe nói mỗi gia đình ở đây được phân bổ một thuyền, vì vậy số lượng thuyền quá nhiều so với nhu cầu. Nếu không phải mùa lễ hội, nghe nói một chủ thuyền có thể  chỉ được 4-5 chuyến/tháng. Còn nếu vào mùa lễ hội, may ra chủ thuyền mới được 1-2 chuyến/ngày.
Tour du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ bến thuyền của khu đón tiếp trung tâm, qua các điểm du lịch: Đền Trình - xuyên hang Địa Linh - xuyên hang Tối - xuyên hang Sáng - xuyên hang Đền Trần - Đền Trần - xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại - xuyên hang Si - xuyên hang Sính - xuyên hang Tình - xuyên hang Ba Giọt - xuyên hang Nấu Rượu - Phủ Khống - xuyên hang Phủ Khống - xuyên hang Trần - xuyên hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền). Tuyến đường tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Trong các hang động là hệ thống nhũ đá tự nhiên cùng dòng nước mát lạnh, men theo những lối mòn hằn sâu trên vách hang, tạo thành hàng nghìn dòng chảy uốn lượn. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng, mọi thứ đều long lanh với những nhũ đá pha cát óng ánh kỳ lạ. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ trùm cả miệng hang.  Hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang phát hiện có nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu. Mỗi hang ở đây đều có sự tích. Những cái tên hang Si, hang Sính, hang Ba Giọt chính là những đoản khúc của một câu chuyện tình: Có chàng trai si mê một người con gái, mong muốn được cưới nàng làm vợ, song giấc mộng không thành, chàng trai đã quyên sinh để chứng tỏ tình yêu của mình. Động lòng trước mối tình trong sáng nhưng trắc trở, ngàn năm nay đá trong hang Ba Giọt vẫn nhỏ lệ. Người ta quan niệm, đi qua hang này, ai đưa tay đón đủ 3 giọt nước, người ấy sẽ gặp may mắn trong tình yêu, bởi bao nhiêu đắng cay chàng trai đã gánh chịu. 




Mùa mưa nên thời tiết thất thường như ... phụ nữ. Trong tuyến đường vòng quanh các hồ và hang động, chúng tôi có đủ mây, mưa, nắng làm phông nền cho các bức ảnh của mình. May mà mưa nhỏ, vừa đủ cho ướt dù, và nắng cũng nhẹ nhàng đủ để cho các tấm ảnh thêm tươi tắn.



Đền Trình
Đền Trình là nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua.Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Tại đây còn có đền Tứ Trụ thờ 4 vị quan thân cận của Đinh Tiên Hoàng Đế là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
 



Đường lên Đền Trần với hơn 700 bậc thang cheo leo, khúc khuỷu. Mệt đứt hơi nhưng bù lại được ngắm nhìn cảnh đẹp như tranh vẽ từ độ cao của đền Trần. 
Đền Trần do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.


Góc nhìn từ Đền Trần xuống bến thuyền







                                                         Màu xanh cẩm thạch của nước

Nước hồ trong veo và xanh màu cẩm thạch hòa quyện với sắc xanh của rừng cây ven bờ. Rất nhiều rong tảo mọc um tùm dưới nước và ảnh hưởng của đá vôi đã tạo nên sắc xanh cẩm thạch của nước. Hoa súng nở tím ngắt ven bờ cạnh những cửa hang. Cảnh đẹp như chốn thiên thai. Cảnh đẹp Tràng An được coi là “núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”. 




                                                         Cặp bến vào Phủ Khống
Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Sân phủ có cây thị nghìn năm tuổi có 2 loại quả tròn và dẹt.










Hiện nay, các nhà văn hóa đang lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận khu du lịch sinh thái Tràng An thành di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Nhà mình tranh thủ tạo dáng chụp hình đánh dấu mốc  tại Tràng An khi nơi này chưa kịp trở thành di sản văn hóa thiên nhiên thế giới.
(Bài viết sử dụng tư liệu từ Wiki - 9/2012)

No comments:

Post a Comment