29 October 2013

Hà Giang, xứ sở của đá và hoa


Vẫn mơ đến một chuyến du ngoạn Hà Giang, cực bắc của đất nước mà đến giờ mình mới thu xếp đi được. Nghe quảng cáo Hà Giang mùa hoa tam giác mạch đẹp mê li, mình rủ thêm một đoàn bạn làm một tour du lịch lãng mạn đi ngắm hoa trong ba ngày. Tuyến đường cả đi và về khoảng gần 1000km bằng xe du lịch 16 chỗ kiểu Land Cruiser. Khởi hành từ Hà Nội vào sáng sớm, trưa đã ngồi ăn cơm ở Hà Giang. Chiều khởi hành đi Quản Bạ trên cung đường ngoằn nghèo uốn lượn, một bên núi đá, một bên là vực sâu. Trên đường đi dừng chụp hình tại khu vực Núi đôi Cô Tiên, cao nguyên đá và rừng thông Yên Minh. Ngày thứ hai là ngày tham quan bắt đầu là đỉnh cột cờ Lũng Cú, sau đó là dinh thự vua Mèo, và cuối cùng là đèo Mã Pì Lèng, đệ nhất đèo nổi tiếng. Tối nghỉ chân ở thị trấn Đồng Văn, thăm phố cổ, đi chợ vùng cao.
Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, là xứ sở của đá và hoa, có dân số khoảng gần 1 triệu bao gồm các dân tộc khác nhau như Mông, Tày, Dao, Việt, Nùng...


Đây là dòng sông Lô huyền thoại trong "Trường ca Sông Lô", đoạn này ở thị xã Hà Giang km0. Lúc mới nhìn thấy mình đã hơi thất vọng vì sông nhỏ như...suối. Tuy nhiên trên đường đi dọc quốc lộ 3 ngắm sông chảy quanh co bên cạnh rất đẹp và lãng mạn.




Đến Quản Bạ, lên đỉnh đồi ngắm thị xã và núi đồi chập chùng vàng óng trong ánh nắng chiều. Núi đôi Cô Tiên quả là rất đẹp, giống y chang cặp nhũ hoa của nàng tiên trong truyền thuyết xưa kia.


Sự tích núi đôi cô tiên: Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín. Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn. Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ.Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.


Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào năm 2010. Đường lên Đồng Văn  xuyên qua những rừng đá tai mèo, xứng với tên gọi “cao nguyên đá”.



 



Dinh thự vua Mèo họ Vương thuộc xã Sà Phìn là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Đường dẫn vào dinh được lát bằng những phiến đá lớn vuông vức, phẳng lỳ. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Dinh thự được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già, các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt với các hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi,… tượng trưng cho quyền quý và hưng thịnh. Dinh thự mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ “vương”, tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa. 






Trên đường đi bạn có thể gặp những nương tam giác mạch nở hoa trắng hồng tím đẹp lung linh, chỉ có điều hoa tam giác mạch không thơm mà bốc mùi rất khó chịu. Tam giác mạch là loại cây trồng truyền thống của vùng núi cao, bột của quả tam giác mạch được dùng làm bánh. Người ta còn trộn hạt của tam giác mạch với hạt ngô để nấu rươu tạo nên hương vị rượu khá đặc biệt như rượu đặc sản Bản Phố. Mùa hoa tam giác mạch vào tháng 11 hang năm, du khách lãng mạn hay đi Hà Giang mùa này để còn chụp hình với hoa.



Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, điểm cực Bắc của Việt Nam.Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có hai ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho đồng bào dân tộc hai bản sử dụng.
Cột cờ Lũng Cú có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25 tháng 9 năm 2010.
Leo qua 389 bậc đá, và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, bạn lên tới đỉnh Lũng Cú. Lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng có diện tích 54 m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam - được cắm trên cán cờ cao 13 m bay phần phật. 
Lũng Cú - tiếng H’Mông có nghĩa là “Long cư” - nơi cư ngụ của rồng. Còn theo một truyền thuyết của người địa phương, thì ở thời Tây Sơn, sau khi Hoàng đế Quang Trung đại thắng quân xâm lược phương bắc, ông đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú, và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi ầm vang xa đến bên kia biên giới cũng nghe được. Những hồi trống đĩnh đạc khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc chúng ta. Và tên Lũng Cú còn có nghĩa là “Long Cổ” - tức trống của vua. Một truyền thuyết thật đẹp, và rất Việt Nam.











Đèo Mã Pì Lèng nằm trong quần thể công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang), nơi được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đường đèo men theo sườn núi, vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Mã Pì Lèng, dịch ra nghĩa đen là sống mũi ngựa. Dịch ý thì đây là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. 
Từ năm 1959 đến 1965, Chính phủ đã làm con đường mang tên Hạnh Phúc nối thị xã Hà Giang với hai huyện vùng cao là Mèo Vạc và Đồng Văn, hai huyện cheo leo nơi cực bắc tổ quốc. Đường Hạnh Phúc cheo leo trên vách đá và sườn núi dốc đứng. Con đường được xây bằng máu và mồ hôi của hàng chục nghìn nhân công. Riêng đoạn Mã Pì Lèng, do quá hiểm trở, nên khi đục từng cm đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng, mỗi ngày có vài chục dân công được làm lễ truy điệu sống rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống. Con đường hình thành vòng vèo quanh lưng núi, nơi có vực đá bên sông Nho Quế, hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á. 



Một cascader áo đỏ yêu nước trong đoàn phượt xe máy thuộc "gia đình phượt" chụp ảnh làm duyên bên dòng Nho quế tuyệt đẹp và núi non hùng vĩ.




Vực sông Nho Quế là hẻm vực sâu hun hút với chiều sâu khoảng 800 m. Muốn đi từ đường đèo đến mặt nước phải mất nửa ngày. Sông Nho quế như một dải lụa xanh ngát uốn quanh những ngọn núi hùng vĩ là khung cảnh thật sự ngoạn mục.

(Tư liệu tham khảo từ net, ảnh HV -10.2013)

1 comment: