Ra khỏi Hà Nội, theo một cách nào đó cũng là ra khỏi cuộc sống cuồn cuộn nhịp hiện đại, bước vào một không gian lưu giữ dấu vết cổ xưa nào đó cũng là một trong muôn vàn cách hé mở để chúng ta có thể ghé mắt bụi bặm nhìn vào, hay thập thò bước chân phong ba trở về một thời đã mờ xa lắm lắm hàng trăm năm, nghin năm, hay hơn thế nữa... Đến Cổ Loa Thành là một ví dụ, dưới bóng cây đa cũ tỏa rợp một vùng, vào khi tôi chưa là ai, cũng có thể chưa là cát bụi, Người đã ngồi đây, đã hát nơi đây bài tình ca của đôi lứa, đã hẹn hò…Giờ Nỏ thần của An Dương Vương, không chỉ bay mũi tên thật, mà ngàn năm qua vẫn bay những mũi tên ghim vào những đích ngắm khác trong tâm người. Công Chúa Mỵ Châu có lẽ chưa từng nghĩ rằng, hậu duệ vài trăm năm sau còn đau vết lông ngỗng trắng… Tôi lẫn trong triệu bước chân đến chiêm ngưởng Cổ Loa Thành, chắc chắn đâu đó trong không gian này lưu giữ những điều quí giá về tiền nhân, nhưng tôi không đủ trí lực chạm tới miền cô tịch. Chỉ biết sáng hôm nay, Đền An Dương Vương, Giếng Trọng Thủy… và cả những gò đất được cho là bờ thành xa xưa còn sót lại tràn ngập một màu nắng tân xuân. Mọi công trình đều đã qua nhiều thời kỳ tu sửa, đều mang dấu vết cận kề, xưa xa lẩn khuất, hoặc nằm trong ý niệm, hoài vọng của từng người.
Đền thờ An Dương Vương
Làm một vòng giếng Trọng Thủy ngắm cảnh chụp hình
Bạn tôi bất ngờ đọc câu thơ của Hoàng Cầm “ Váy Đình Bảng buông chùng cửa Võng”. Tôi ra khỏi miên man và hỏi. Tại sao gọi là cửa Võng vậy nhỉ? Câu trả lời còn ở trên môi của ai đó. Rời Đình Ngự Triều Di Quy, cửa Võng vẫn theo chúng tôi với từng bước chậm rãi trên con đường dẫn ra cổng chính của làng. Chào hai cô ạ! Bất ngờ từ phía sau chúng tôi vang lên lời chào giòn đến mức có thể vỡ thành từng bụm tiếng cười vui. Vút qua chúng tôi là hai cô bé khoảng học trò lớp 5, chạy xe đạp vượt lên và rẽ ngang mặt chúng tôi, sang bên kia đường vào một lối đi nhỏ. Khi sắp rẽ ngang, hai cô bé đã chào những người khách đến quê hương làng Cổ của mình. Chúng tôi bất ngờ vì quá lâu, quá lâu rồi mới được nhận lời chào hỏi ngoan hiền như thế, từ những cô bé xa lạ, trên một con đường xa lạ.
Chùa Cổ Loa
Vẫn còn dấu tích của Lễ hội xuân
Bên giếng Trọng Thủy
Bún xào cần, đặc sản Cổ Loa
Đầu làng Cổ Loa có những quán nước ven đường. Trong số đó có một quán nước vối. Những chiếc bàn được làm bằng nan tre lên nước óng ả màu nâu non. Những ly nước vối vàng sóng sánh, và những nụ cười của người Cổ Loa thân thiện khiến chúng tôi ngồi ở quán lâu hơn dự định. Sau khi hỏi hai cô gái ngồi cạnh bàn về quán ăn, chúng tôi nhận được câu trả lời nhiều hơn mong đợi và lời mời thưởng thức món bún xào cần, một món ăn đặc sản của Cổ Loa. Bún sợi nhỏ được xé tơi. Rau cần sạch ngắt đoạn. Một chút dầu, một chút muối, chút tiêu…mấu chốt là ở chỗ xào. Chủ quán thao tác ngay trước mắt mỗi khách gọi ăn. Khi đĩa xào bưng lên, bún vừa se khô, rau cần còn giòn giòn, và một chút cháy mỏng làm đĩa bún thêm hấp dẫn. Ăn bún. Ăn cháo trai và thưởng thức không biết bao nhiêu là thông tin về những về thành Cổ Loa, về Đình Ngự Triều Di Quy, về Cửa Võng, Giếng Trọng Thủy, về những mẩu vật được khai quật từ trong lòng đất như khuôn đúc mũi tên đồng…Sau cùng, họ còn đãi chúng tôi món đậu phụng luộc thơm lừng. Bỗng nhiên ranh giới giữa khách tham quan và chủ làng biến mất. Cảm giác thân thiện khiến tất cả trở nên thân tình, chủ quán từ chối thu tiền nước, khách nài nỉ mời người làng món bún rau cần thơm ngậy. Riêng tôi, lời chào của hai cô bé ở Cổ Loa Thành là món quà mang theo khi rời khỏi vùng đất cổ xưa này và giữ gìn, vì với hiện trạng xã hội ngày này, lời chào của con trẻ dành cho bất kỳ ai, nhất là khách qua đường có thể sẽ hiếm hoi và chìm khuất dần vào quá khứ.
Du lịch Hoa Kỳ Các địa điểm du lịch và khám phá Hoa Kỳ
ReplyDeleteVé máy bay đi Mỹ giá rẻ nhất
Du lịch Hoa Kỳ và hành trình trải nghiệm thú vị
Đặt vé du lịch Mỹ
Vé máy bay đi Mỹ United Airlines