Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"
Chủ nhật ngày 2.3.2008, tức ngày 25 tháng Giêng âm lịch, chúng tôi lên đường du xuân đến Yên Tử. Trải qua quãng đường 120km từ Hà Nội, chúng tôi hồ hởi vui mừng khi nhìn thấy khu di tích Yên Tử hiên ra trước mắt mình với núi non trùng điệp và mấy đường cáp treo như sợi chỉ đính kèm mấy “quả” cabin lửng lơ trôi ẩn hiện trên triền núi.
Xe du lịch của chúng tôi từ từ lăn bánh vào bãi gửi xe. Chúng tôi hoảng hồn khi nhìn thấy một bãi xe rộng mênh mông, trùng điệp, ăm ắp đầy các loại xe lớn nhỏ. Mới có 9h sáng, sao du khách đến sớm quá vậy ta? Chẳng lẽ công sức mình dậy sớm để khởi hành sớm từ 6h sáng chẳng ăn nhằm gì so với thiên hạ?
Lục tục xuống xe vào khu di tích, chúng tôi choáng váng với một biển người đông như kiến và một biển rác bẩn thỉu, nhếch nhác đến ghê người. Sau khi mua vé cáp treo giá 45,000 đ/lượt/1 chiều, chúng tôi chen chúc vào sảnh chờ để… xếp hàng đi cáp treo. Nhìn biển người mênh mông lúc nhúc chen lấn, cái cảm giác vô vọng chán nản đã từ từ làm cho chúng tôi mệt mỏi đến rã rời. Vâng, kiểu xếp hàng có một không hai của Việt nam ta là cái kiểu xếp hàng lên cáp treo của biển người đó. Bạn không thể đếm được đó là hàng mười hay hàng hai mươi, chỉ thấy một đám đông nhốn nháo, ai cũng mong vượt lên trên. Thỉnh thoảng đám đông lại dềnh lên như những đợt sóng, cuốn bạn trôi đến một hàng cột nào đó, đè bạn bẹp dí vào chân cột, làm bạn ngạt thở với đủ loại mùi mồ hôi, mùi khí thải, mùi xú uế…Sau ba giờ đồng hồ bất lực trong biển người đó, bạn bị chen lấn te tua đến rã rời, và đến khi bạn nguội ngắt không còn một khí thế du xuân nào hết, bạn sẽ được người ta tống vào cái hộp ca bin cáp treo để bay vù lên lưng chừng trời chỉ trong vòng 5-6 phút. Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 543 m là điểm đến của tuyến cáp treo thứ nhất, nhưng ở đó mới chỉ là nửa con đường khổ ải của kiếp nạn du xuân Yên Tử.
Yên Tử có hai tuyến đường cáp treo với 16 cabin công suất vận chuyển chừng 600-700 hành khách một giờ. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với hàng chục vạn du khách mỗi ngày. Tôi không hiểu tại sao hai đường cáp treo này lại được thiết kế hoàn toàn tách biệt nhau với hai nhà ga khác nhau ở khá xa nhau. Vì vậy khi bạn đi hết một chặng, bạn lại phải di chuyển đến nhà ga thứ hai khá xa xôi, để tiếp tục một công cuộc xếp hàng lên tuyến cáp treo thứ hai. Ở đây thời gian xếp hàng chỉ là …hai giờ đồng hồ nữa, và bạn lại được bay vèo lên đỉnh núi một lần nữa. Điểm cuối của tuyến cáp treo thứ 2 là nơi có Tượng đá Yên Kỳ Sinh. Từ đó thì mời bạn leo bộ lên chùa Đồng ở độ cao 1068m. Khi đi xuống bằng cáp treo với hai tuyến đường như đã nói, bạn sẽ phải xếp hàng chờ đợi với thời gian trung bình hai giờ cho mỗi tuyến. Như vậy việc thiết kế cáp treo thành hai tuyến với bốn lần chờ đợi sẽ lấy mất của bạn 4 x 2 h = 8 h vàng ngọc và hầu như tất cả cảm hứng du xuân của bạn.
Trên đường lên đỉnh Yên tử, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy cảnh quan đẹp đẽ và thiên nhiên thơ mộng khi mà bạn lạc vào một biển người và một biển rác. Rác ngập ngụa mọi nơi, mọi chốn. Một dòng sông rác trải từ trên đỉnh núi xuống dưới chân núi. Ngay tại chỗ ghi công đức đóng góp xây chùa, nơi có thể nói là linh thiêng nhất, bởi hơn 700 năm trước, đức Trần Nhân Tông đã từng ngồi thiền, cũng ngập ngụa trong rác. Những cái túi nilông, vỏ chai, lon bia vứt lăn lóc khắp nơi. Thùng rác công cộng là quá ít để chứa đựng một lượng rác thải khổng lồ từ du khách. Và ý thức của du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng nữa, ăn uống tự túc, xả rác tự do xuống chân mình bất kể đó là đâu, sân chùa, đường đi hay rừng cây, bãi cỏ….Trong không khí “lãng mạn” của lễ hội xuân, bạn luôn thấy thoang thoảng mùi ammoniac và mùi hôi thối bốc lên từ bên đường. Chẳng có gì lạ khi một biển người du xuân mà chỉ có một vài cái nhà… “mất vệ sinh” công cộng, chẳng có gì hơn là một mảnh ván, một cái rãnh giữa rừng và một tấm nilon quây trống tuyềnh trống toàng xung quanh. Thế mà khi từ nhà “mất vệ sinh” công cộng đi ra, tôi giật mình khi thấy một người đàn ông bặm trợn chìa tay trước mặt mình để đòi tiền dịch vụ “mất vệ sinh” giá 2,000đ. Dịch vụ bán hàng rong lừa đảo, chặt chém nhan nhản khắp nơi, nạn móc túi hoành hành…Những đội bán hàng lưu động cung cấp hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng: măng trúc, dứa dại, phong lan... Trúc lâm Yên Tử vì thế mà ngày càng trụi dần. Măng non bị bẻ làm thức ăn, trúc "cơ nhỡ" được các chị vệ sinh sử dụng làm chổi quét đường, còn những thân trúc đã cứng cáp được chặt ngang làm chiếc "chân thứ ba" cho các ông già bà lão và cả những nam thanh nữ tú. Một chiếc gậy trúc bán ra với giá 20.000 đồng quả là một món lời khó cưỡng lại của người dân nơi đây. Loa phóng thanh của “Ban Tổ chức lễ hội xuân Yên tử” luôn vang vang với những thông tin tìm người lạc, cảnh báo lừa đảo, cảnh báo móc túi, ăn cắp, thông báo tìm giấy tờ mất cắp…
Đau lòng cho một điểm du lịch sinh thái còn được gọi là Thánh địa Yên Tử bị con người tàn phá và làm ô nhiễm một cách tệ hại và vô ý thức như vậy. Du khách Việt như chúng tôi còn kinh hoàng một đi không trở lại, nữa là du khách nước ngoài. Ngành du lịch Việt nam bao giờ mới biết kinh doanh thực sự với những điểm du lịch sinh thái là thế mạnh duy nhất của ngành du lịch Việt Nam?
No comments:
Post a Comment