Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa....
Chùa Hương chỉ cách Hà Nội có 70km, thế mà đến hôm qua tôi mới thăm di tích chùa Hương lần đầu tiên trong đời, kể ra cũng thật đáng xấu hổ cho một người ham du lịch và yêu thiên nhiên.
Nhân dịp lễ, được nghỉ vài ngày, tôi "hạ quyết tâm" lấy một tour du lịch để vãn cảnh chùa Hương. Mua tour của một công ty lữ hành trên mạng, giá cả hơi cao hơn mức hợp lý, nhưng đây là tour du lịch tổ chức cho du khách ngoại quốc dạng "tây ba lô" nên tôi cũng tò mò muốn xem mấy công ty du lịch tư nhân làm du lịch ra sao.
Văn phòng du lịch khu phố cổ nhộn nhịp du khách, nhất là du khách tây ba lô. Nhân viên du lịch hơi bị chảnh, tuyên bố không thể cho xe đón tôi, vì lý do tôi ở xa khu phố cổ, và tôi sẽ phải lặn lội có mặt tại văn phòng "phố cổ" trước giờ G ngày mai để xe khởi hành sớm. Sáng hôm sau, theo thói quen dở hơi của người hay lo, tỉnh giấc sớm mỗi khi phải đi xa, tôi dậy từ 5:30 sáng và chuẩn bị gói ghém hành trang lên đường du lịch. Chạy xe máy đến nơi, văn phòng vắng hoe, nửa giờ sau giờ hẹn mới thấy nhân viên du lịch có mặt đón chúng tôi lên xe buýt. Xe buýt lòng vòng khu phố cổ để đón khách mất gần một giờ nữa mới lò dò ra khỏi thành phố. Đang phấn khởi khi xe bon bon trên đường đi Hà Tây, bỗng lái xe tấp vào một điểm nghỉ chân bán đồ lưu niệm bên đường chỉ sau nửa giờ xe chạy. Đây không phải vì nhu cầu nghỉ chân của du khách, mà là vì nhu cầu bán hàng chặt chém lừa đảo cho du khách ngoại quốc đồng nghĩa với hoa hồng cho các nhân viên làm du lịch. Lại mất thêm nửa giờ vô vị. Gần 11:30 mới đến nơi, hướng dẫn viên cho biết đến 2:30 chiều mới được ăn trưa, nghĩa là chúng tôi sẽ phải leo núi và vãn cảnh chùa dưới trời nắng chang chang trong tình trạng đói bụng.
Vừa xuống xe, một đoàn người bán hàng rong ào đến chen lấn rao hàng làm các du khách tây ba lô khiếp đảm. Tôi khuyên một người bán hàng rong không nên nài nỉ đeo bám du khách mua hàng khi người ta không thích, bèn bị mắng vốn cho té tát. Có đến hai chục du khách nước ngoài chen chúc trên cái thuyền vô cùng thô sơ và mong manh, hoàn toàn không có phương tiện cứu sinh, mạo hiểm là cảm giác khi xuống thuyền. Tôi thầm nghĩ, du lịch kiểu này còn ghê rợn hơn cả du lịch mạo hiểm chèo thuyền trên sông Amazon đầy thác ghềnh.
Du thuyền trên suối Yến đến khu di tích Chùa Hương là một khoảng thời gian khá lãng mạn với sông nước mênh mang và núi non trùng điệp. Chúng tôi cặp bến lên chùa Hương sau khoảng 1 giờ lênh đênh trên suối Yến. Trước khi lên cáp treo, du khách vào viếng chùa Thiên Trù. Khu chùa Thiên Trù tọa lạc trên triền núi khá hoành tráng và uy nghi. Một điểm son của phong cảnh chùa Hương là hoa gạo đỏ chói vẫy chào du khách trên khắp các triền núi và xung quanh chùa.
Cáp treo lên chùa chạy cầm chừng, thỉnh thoảng lại dừng lại chờ cho đủ khách, vì hôm nay là thứ hai và cũng là cuối mùa lễ hội nên khách thưa thớt. Khi được treo lơ lửng trên sườn núi, chúng tôi tranh thủ ngắm nhìn phong cảnh bên dưới. Đường mòn bị che phủ bởi các lán trại lộn xộn, nhếch nhác, đầy rác rưởi hai bên đường. Vì không còn thời gian, chúng tôi đành phải đi cáp treo cả hai chiều và không còn cơ hội lội bộ rẽ ngang rẽ dọc vãn cảnh chùa dọc trên tuyến đường.
Cập bến cáp treo, du khách lội bộ xuống động Hương Tích, tương truyền là "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam). Động rộng lớn, hoành tráng nhưng tối om, ẩm ướt, mốc meo và nhất là bốc mùi xú uế nồng nặc.
Bữa trưa cho du khách hơi dở, chỉ được món canh rau sắng chùa Hương là ngon và đáng nhớ.
Trên đường về, người chèo thuyền gợi ý du khách cho tiền bồi dưỡng hơi trắng trợn. Là người Việt, chúng tôi cho tiền tip, nhưng chúng tôi cảm thấy không thoải mái và hơi xấu hổ khi hướng dẫn viên gợi ý như bắt ép du khách tây ba lô tip cho mình và cho người chèo thuyền. Nhận tiền tip, họ không hề cám ơn, mà còn trách móc, chê bai vì hơi ít so với chờ đợi của họ. Du khách chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Chia tay với chuyến du lịch, du khách có còn cảm hứng trở lại điểm du lịch sau khi trải qua bao rắc rối và phiền lòng như vậy?
Bến thuyền với hàng ngàn chiếc thuyền thô sơ phục vụ lễ hội chùa Hương.
Đi thuyền trên suối Yến đến khu di tích Chùa Hương khá lãng mạn với sông nước mênh mang và núi non trùng điệp
Bến thuyền cập vào chùa Trình trên đường đến chùa Hương
Chúng tôi cặp bến chuẩn bị lên chùa Hương sau khoảng 1 giờ du thuyền lênh đênh trên suối Yến.
Hoa gạo chùa Hương thật tuyệt, cuối mùa rồi mà vẫn đỏ chói vẫy chào du khách.
Sân chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù với lễ hội
Đường xuống động Hương Tích, "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam)
Wikimedia: Chùa Hương là một ngôi chùa nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nằm ven bờ phải sông Đáy. Chùa Hương nằm trong động Hương Tích và là trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này. Chùa Hương còn gọi là chùa Trong. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17.
Hội chùa Hương hàng năm bắt đầu từ sau tết Nguyên Ðán, kéo dài từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 âm lịch. Mỗi mùa hội có tới ba, bốn chục vạn người đến chùa Hương. Từ cụ già sáu, bảy chục tuổi đến em nhỏ được bố mẹ cõng trên lưng đều nô nức đi hội. Gặp nhau trên đường vào chùa, tất cả đều chào nhau bằng câu niệm Phật: "A-di-đà-Phật".
Ðiều hấp dẫn của chùa Hương là cảnh núi cao, rừng thẳm, suối dài được kết hợp hài hoà, xếp đặt tài tình giữa một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi.
Nếu chỉ đi chương trình một ngày, du khách hãy thăm động đẹp nổi tiếng nhất: Hương Tích. Thế kỷ 17, chúa Trịnh Sâm đến vãn cảnh động, đã tự tay đề năm chữ Hán lên cửa động "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam). Ðộng được tìm ra cách đây hơn 2.000 năm. Bước vào động, một sắc cảnh kỳ diệu hiện ra trong ánh sáng huyền ảo. Chính giữa động có pho tượng đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Xung quanh là nhũ đá tạo thành những hình cây vàng, cây bạc, buồng tằm, nong kén, núi cô, núi cậu... và đây là toà cửu long hình chín con rồng nhũ đá long lanh ánh biếc đang châu đầu xuống trần thế.. Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc lát đá. Vách trước cửa động có năm chữ Hán 南天第一 (Nam thiên đệ nhất động) khắc năm 1770 đời chúa Trịnh Sâm.
Vào trong động vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây có khối to, có khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình dáng mà được đặt những cái tên rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người. Trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu. Dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng.
Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén... Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.
Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793.
Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24 m, đường kính đáy 0,63 m đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655).
No comments:
Post a Comment