15 March 2010

Rừng Nam Cát Tiên

Rừng Nam Cát Tiên cách Sài Gòn khoảng 160km về phía bắc. Từ thành phố, bạn theo quốc lộ 20 trên đường đi Ðà Lạt đến Km 125 (ngã ba Tân Phú) thì rẽ trái, đi thêm 24 km nữa đến bến phà vượt sông Ðồng Nai là đến ngay cửa rừng Nam Cát Tiên. 
Trải dài trên địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, với tổng diện tích gần 72 ha, Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam. Trong tổng số 724 loài thực vật được tìm thấy, có 38 loài, 13 họ quý hiếm như dầu rái, dầu lông, cẩm lai, cẩm xe, gõ đỏ, giáng hương, hàng trăm loại cây dược liệu, hơn 60 loài hoa phong lan.. 
Rừng có rất nhiều loài động vật quý hiếm. Hệ động vật có 77 loài thú thuộc 28 họ, 10 bộ. Chim hoang dã cũng có tới 326 loài thuộc 62 họ của 18 bộ. Bò sát có 37 loài thuộc 18 họ của 3 bộ. Trong các loài động vật trên có nhiều loài có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam như: Bò Ban-ten, bò Gau, hổ, gấu, báo, chó sói, voọc chân đen, công, hạc cổ trắng, gà so cổ hung, cá sấu Xiêm, tê giác một sừng Rhinoceros. 

Trong rừng có nhiều nhà nghỉ với tên gọi hết sức “thiên nhiên”: Nhà nghỉ Voi, nhà nghỉ Gấu, nhà nghỉ Gõ Đỏ, Bằng Lăng, Hồng Hoàng… giá dao động từ 300-400.000đ/phòng. Phòng nghỉ được thiết kế khá đơn giản nhưng vẫn tiện nghi.

Thú vị hơn là tuyến tham quan Bàu Sấu, khá xa trung tâm vườn nên phải di chuyển bằng xe du lịch của trung tâm du lịch sinh thái (9km) với giá chừng 500.000đ/chuyến chở được 4-7 người, sau đó đi bộ 5km. Bàu Sấu là một khu hồ rộng, bạt ngàn các loài chim và cá sấu sinh sống. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng điệu múa mê hồn của những chú chim công, đắm mình trong khung cảnh thơ mộng, hùng vĩ của đại ngàn. 

Cách trung tâm vườn chừng 15km, bạn có thể khám phá một tuyến đường khá thú vị để chiêm ngưỡng cây si trăm thân có độ tuổi khoảng 400 năm, chiều cao hơn 8m, uốn mình trên dòng nước, khó xác định đâu là thân chính.

Một ngày đẹp trời, nhóm bạn 4 tên kể cả tài xế đã lên đường ngao du đến khu rừng quí hiếm này. Đến bờ sông Đồng nai, gửi xe lại đây và lên phà vượt sông là đến với rừng. Một thanh niên tên Tuấn làm kiểm lâm tại đây đã dẫn chúng tôi vào rừng. 
Đây là cánh rừng ở Việt nam được bảo vệ tốt nhất mà tôi từng thấy. Ngay cả những cây đổ vì bão nằm trên đất đã bao năm nay cũng vẫn còn nằm đó không bị ai khiêng đi để xẻ gỗ bán. Tuấn nói, nếu chỉ cần cho Tuấn một vài cây gỗ quý này để bán, Tuấn cũng đã đủ xài cho đến hết đời.  Tuy nhiên ở đây không ai được phép khai thác gỗ cho dù là gỗ của các cây đã bị đổ ngã. Toàn cây quý hiếm, cẩm lai, gõ đỏ...đổ ngã sóng xoài trên đất, vắt ngang đường mà vẫn nằm y nguyên, chỉ được cưa ngắn từng khúc để dịch chuyển sang vệ đường cho khỏi vướng. Tuấn dẫn chúng tôi đến thăm mấy cây cổ thụ nổi tiếng của rừng: cây Tung ngàn năm tuổi,  cây gõ đỏ 500 năm tuổi, cây thiên tuế 500 năm tuổi, cây bằng lăng sáu ngọn... Chúng tôi ngắm nghía những cây cổ thụ hùng vĩ này với cả lòng ngưỡng mộ. 

Lang thang mãi trong rừng không biết chán, rồi chúng tôi ghé Thác trời, đầu nguồn của sông Đồng Nai. Nghỉ chân bên suối nghe "tiếng suối trong như tiếng hát xa" và thi nhau chụp hình bên suối. Thanh niên Tuấn tranh thủ vớt mấy chai nhựa và bịch nilon ai đó xả xuống suối, anh nói lần nào đi loanh quanh các kiểm lâm viên cũng phải thu dọn để giữ sạch cho rừng. 

Muốn giữ những cánh rừng muôn năm tuyệt đẹp này, rất cần có đội kiểm lâm với những người như Tuấn. "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt". Những kẻ phá rừng lấy gỗ sẽ bị đời nguyền rủa. Ra về mà lòng chỉ mong ước sao cho những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm này sẽ còn lại cho đến đời con cháu mai sau. 

 
 Bên sông Đồng Nai tại cửa rừng Cát Tiên
Cây Tung (tên khoa học Tetrameles nudiflora) ngàn năm tuổi có gốc to và bạnh  hàng chục người ôm không xuể.  

Đây là "cây Gõ Bác Đồng". Đó là cây Gõ đỏ (loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam) có đường kính hơn 2m, cao khoảng 40m, ước tính trên 500 năm tuổi.


Cây thiên tuế 500 năm tuổi (trên 200 năm mới trổ hoa) 
Cây bằng lăng cổ thụ 6 ngọn 
 Cây dây leo như 1 con rắn khổng lồ.


Suối thượng nguồn của sông Đồng Nai
Nghỉ chân bên suối
 Làm duyên bên suối
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa"
 Trong rừng tre nứa
 Tạm biệt rừng Nam Cát Tiên
Trên đường về Sài Gòn 

No comments:

Post a Comment