Toàn cảnh thị trấn Tam Đảo trong sương |
Tam Đảo là Đà Lạt xứ bắc. Đường lên Tam Đảo cũng y chang đường lên Đà Lạt, cũng rừng thông cao vi vút, cũng núi đồi nhấp nhô trong sương mù, cũng những con đường quanh co ẩn hiên...Gần đến Tam Đảo bạn nên dừng xe bên đường để ngắm nhìn và chụp ảnh toàn cảnh thị trấn trong sương. Cảnh đẹp như tranh vẽ.
Ở thị trấn nhỏ bé này mây mù quanh năm hiển hiện. Trong một ngày có thể cảm nhận được dư vị của bốn mùa: bình minh là mùa xuân mơn man; trưa là chút nắng hè hanh hao vàng như mật; chiều về giống như tiết thu; còn buổi tối là mùa đông lạnh giá.
Tam Đảo là ba hòn đảo núi nhô lên giữa một biển mênh mông mây trắng. Ba ngọn núi có tên là Thiên Thi, Thạch Bàn và Phù Nghĩa. Thị trấn Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo nằm phía Tây bắc Hà Nội.
Đền Mẫu Thượng Ngàn là ngôi đền lưu giữ một truyền thuyết đẹp. Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn là một trong 3 vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
Bà được tạc thành hình 1 phụ nữ đẹp, phúc hậu, ngồi ở tư thế thiền, chân xếp bằng và 2 tay chắp và mang trang phục màu xanh khi được đặt cùng hai vị mẫu kia là Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thoải hoặc được thờ riêng trong một điện.
Theo truyền thuyết, Mẫu Thượng Ngàn chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Khi còn trẻ, Mẫu Thượng Ngàn là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn. La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du, đồi bãi.
Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh (chính là Sơn Tinh) cai quản, ông đã dạy dân rất nhiều điều bổ ích cho các hoạt động sinh sống của người dân: từ săn bắn thú dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước đến dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh.
Sơn Tinh cũng thường cùng các vị sơn thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc. Do luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều.
Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay.
Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là 1 người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc. Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh.
Còn bản thân nàng, chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người, mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc.
Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành 2 vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng: từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.
Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình.
Hiện nay kế bên cạnh đền Mẫu Thượng Ngàn là chùa Thiên phúc và chùa Vàng do tư nhân mới xây dựng. Chùa Vàng khá đẹp, nằm phía trên cùng của khuôn viên đền Mẫu Thượng Ngàn.
Đường lên đền Mẫu Thượng ngàn qua rừng trúc đẹp tuyệt vời.
Nhà thờ cổ Tam Đảo được xây dựng vào năm 1937 theo kiến trúc Pháp. Nhà thờ này hiện là công trình kiến trúc duy nhất còn lại trong toàn bộ các công trình từ thời Pháp thuộc. Nằm ở vị trí trung tâm thị trấn, nhà thờ cổ là nơi bạn có thể ngắm nhìn cả thị trấn trong tầm mắt.
Sáng hơi se lạnh như tiết xuân, đến trưa thì đã nắng ấm như mùa hè. Trút bỏ áo khoác chỉ còn mỗi sơ mi lang thang quanh nhà thờ cổ thật sung sướng. Sau khi thấm mệt bọn mình ghé quán ăn cơm trưa, không quên gọi đặc sản Tam Đảo được ưa chuộng là ngọn rau su su xào tỏi và su su luộc chấm muối vừng, bỏ qua mấy món thịt thú rừng vì thương lũ thú và thương ....cái ví của mình.
(Tam Đảo 1.1.2014)
Thic nhat cau cuoi nhe
ReplyDeleteHi hi chị Thanh
Delete