Khu danh thắng Tây Thiên được coi là vùng đất thiêng của Tam Đảo – Vĩnh Phúc, nơi tập trung rất nhiều chùa, đền, miếu cổ… (bao gồm Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Hiện nay Tây Thiên đã và đang trở thành đất Phật, đang được xây dựng/trùng tu với qui mô to đẹp trên một khuôn viên rộng lớn.
Hành trình bắt đầu từ Đền Thõng (hay còn gọi là đền Trình) dưới chân núi. Trước cửa đền là cây đa chín cội sừng sững thách thức với thời gian.
Sau đền Thõng, du khách sẽ vượt qua một quãng đường hơn 1km rợp bóng cây xanh mát, vượt qua khe Trường Sinh để lên tới đền Cậu, du khách bắt đầu vào lãnh địa Tây Thiên.
Qua đền Cậu là đến đền Cô, cách hơn 2km, thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Bên cạnh đền thờ còn có dòng suối Giải Oan và giếng cổ, nước quanh năm trong mát, cũng được coi là nơi rất linh thiêng.
Đi thêm một đoạn sẽ lên đến Tịnh thất Tây Thiên. Đây là địa điểm tu hành của các ni cô phái Mật tông Tây Tạng.
Điểm cuối là khu đền Thượng, là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo. Tương truyền bà được sinh ra từ khí thiêng của ngọn Tam Đảo, kết duyên cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7.
Du khách có thể tiếp tục vào bái đường của Thiền Viện Tây Thiên trong một không gian rộng lớn và thiêng liêng. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự.
Đại Bảo tháp Tây thiên đang trong quá trình hoàn thiện thi công
Đại Bảo Tháp Tây Thiên - biểu tượng Đại trí tuệ của Phật được khởi công, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc Kim Cương Thừa có mặt tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Hoàng hôn dần buông khi chúng tôi ra về. Một ngày quá đẹp để chu du lên núi.
No comments:
Post a Comment