22 June 2015

10 cách mua vé máy bay giá tốt

BY TRAVIP · 


Để chuẩn bị cho một chuyến đi xa, chuyện mua vé máy bay sẽ làm bạn đau đầu. Làm sao để mua được vé giá tốt và hợp lý nhất? Travip xin nhấn mạnh là giá tốt và hợp lý chứ không phải giá rẻ nhé. Vì giá rẻ chưa chắc đã có lợi và phù hợp với nhu cầu của bạn. Hãy lưu ý một số điểm sau đây:

1. Canh vé các đợt khuyến mãi:

Tất cả các hãng hàng không đều thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi quanh năm. Giá vé khi đó thường rất thấp. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng vào tất cả trang web của các hãng để canh hàng ngày được. Hãy đăng ký dịch vụ nhận tin khuyến mãi (newsletter) của các hãng. Khi có chương trình ưu đãi, thông tin sẽ được gửi tự động vào e-mail của bạn. “Like” trang của các hãng trên Facebook để có thông tin khuyến mãi.

2. Hãng giá rẻ chưa chắc đã rẻ:

Bạn vẫn nghĩ hàng không giá rẻ sẽ rẻ thật sự? Chưa chắc! Đôi khi nếu cộng tất cả chi phí ăn uống, hành lý này nọ thì vé hãng giá rẻ không rẻ hơn hãng bình thường là bao, có khi lại đắt hơn. Trước khi mua vé, cứ kiểm tra giá vé của tất cả các hãng có đường bay, bất kể là hàng không truyền thống hay hàng không giá rẻ. Hiện nay, một số hãng hàng không truyền thống tung ra các gói giá rẻ vào những đợt khuyến mãi nên vé thường rẻ hơn các hãng giá rẻ.

3. Tính toán thời gian chuyến bay hợp lý:

Mua vé máy bay ai mà không ham rẻ. Tuy nhiên, đôi khi bạn mua vé lệch đi 1, 2 ngày hoặc vài giờ đồng hồ so với thời gian dự kiến để có giá rẻ hơn nhưng bù lại bạn phải trả thêm tiền khách sạn hoặc vạ vật mệt mỏi ở sân bay hoặc ngoài đường. Hãy tính toán cẩn thận và cộng tất cả chi phí rồi đưa ra phương án mua vé tốt nhất. Ví dụ bạn mua vé máy bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Singapore từ thứ 2 đến thứ 5 với giá 200$ nhưng nếu đi từ thứ 2 đến thứ 6 giá chỉ còn 150$. Bạn vội vàng mua vé đi từ thứ 2 đến thứ 6 nhưng bù lại bạn phải tốn thêm một ngày khách sạn giá 75$ (hoặc 100$). Tính ra chi phí sẽ đắt hơn.

4. Bay nhiều chuyến rẻ hơn bay thẳng:

Sự linh động về giá trên các đường bay quốc tế đôi khi đem lại những mức giá rẻ tuyệt vời cho các chuyến bay nối chuyến. Bạn thường nghĩ bay nhiều chuyến sẽ đắt hơn bay 1 chuyến. Không hẳn. Ví dụ năm ngoái Travip muốn mua vé bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Maldives (quá cảnh Kuala Lumpur) nhưng tính đi tính lại kiểu gì cũng đắt. Bay chia hai chặng rời TP. Hồ Chí Minh-Kuala Lumpur rồi Kuala Lumpur-Maldives hay bay kiểu nối chuyến với Malaysia Airlines (fly through, quá cảnh Kuala Lumpur) đều có giá chát chúa, từ 800-1.000USD. Tuy nhiên, Travip phát hiện ra rằng nếu bay nối chuyến với Malaysia Airlines từ Singapore đi Maldives (quá cảnh Kuala Lumpur) thì giá vé khứ hồi chỉ 300USD mà thôi. Còn chặng từ TP. Hồ Chí Minh sang Singapore có thể bay bằng một hãng giá rẻ hoặc Vietnam Airlines với giá từ 200-300USD. Số tiền tiết kiệm được nếu bay 3 chuyến sẽ là 200-400USD so với bay 2 chuyến.

*Tuy nhiên, khi tính toán đường bay nhiều chặng và nối chuyến, nhớ lưu ý các chi phí liên quan (như chi phí khách sạn nếu quá cảnh quá lâu) hoặc các thủ tục khác về thị thực (visa) quá cảnh. Lần đi Maldives năm ngoái Travip đã không bay với Tiger Air vì giá vé khi đó cũng không rẻ, lại phải đi vào Singapore quá cảnh và ở khách sạn hẳn 1 đêm, chưa kể chi phí đi lại, ăn uống nữa.

5. Hạng thương gia vé rẻ hơn hạng phổ thông:

Nghe buồn cười không khi vé hạng thương gia vé còn rẻ hơn hạng phổ thông. Đã nhiều lần, do đặt gần sát giờ bay nên Travip gặp phải cảnh dở khóc dở cười là vé hạng phổ thông gần hết, chỉ còn vé hạng cao trong khi vé hạng thương gia lại còn nhiều, giá rẻ mới hài hước. Như trường hợp vé của hãng Malindo Air từ Kuala Lumpur đi New Delhi vé hạng phổ thông còn đắt hơn hạng thương gia. Ở nhiều chặng bay, vé hạng phổ thông chỉ rẻ hơn vé hạng thương gia 100.000đ. Khi ấy, bạn sẽ chọn mua vé hạng nào? Chúng ta thường có thói quen sợ hạng thương gia đắt tiền nên mặc định không ngó gì đến vé hạng thương gia nhưng đâu phải lúc nào vé hạng phổ thông cũng rẻ.

Thêm nữa, các hãng thường chia các hạng vé ra các nhóm như “thương gia linh hoạt”, “thương gia tiết kiệm”, “phổ thông linh hoạt”, “phổ thông tiết kiệm”. Nhiều lúc “thương gia tiết kiệm” rẻ hơn cả “phổ thông linh hoạt”.

6. Đăng ký thành viên của các hãng hàng không:

Cách này ít bạn để ý vì cho rằng đăng ký thành viên các hãng hàng không sẽ chẳng đem lại lợi lộc gì. Việc tích điểm thưởng của các hãng thường không được quan tâm mấy vì nhiều bạn cho rằng mình chẳng mấy khi đi máy bay, tích điểm làm gì cho mệt.

Nhưng không! Đăng ký làm thành viên các hãng hàng không luôn luôn là miễn phí và trong rất nhiều trường hợp, thành viên luôn được biết trước các thông tin về khuyến mãi hoặc vé giá rẻ, vé giá 0 đồng trước những khách hàng thông thường. Vậy còn chờ gì nữa?

7. Ưu đãi từ thẻ ngân hàng hoặc từ thẻ thành viên dịch vụ khác:

Trong nhiều đợt khuyến mãi, các hãng hàng không thường giảm một số phần trăm nhất định nếu bạn dùng thẻ ngân hàng liên kết với hãng. Thẻ của một ngân hàng có thể được hưởng ưu đãi trong một số dịp với số phần trăm giảm từ 5% đến tận 20% hoặc hơn.

Ngoài ra, hãng hàng không cũng có thể cung cấp mã giảm giá áp dụng cho một số thẻ ngân hàng tham gia vào chương trình. Mức giảm cao nhất là Travip đã từng đặt vé được là 30%, áp dụng cho một số loại thẻ khi mua vé của Vietnam Airlines. Quan trọng nhất vẫn là theo dõi các ưu đãi từ hãng.

8. Mua vé sớm:

hãy tranh thủ lên kế hoạch đi chơi của mình thật sớm và mua vé ngay. Đừng đợi đến gần lúc đi mới mua, khi đó giá vé sẽ không còn rẻ. Ngay cả hạng phổ thông của đa số các hãng cũng phân chia ra các loại giá vé như siêu tiết kiệm, phổ thông tiết kiệm, tiết kiệm đặc biệt, tiết kiệm linh hoạt. Các hạng vé rẻ thường hết nhanh. Tuy nhiên cũng cần lưu ý điều kiện ngặt nghèo áp dụng đối với các hạng vé rẻ và siêu rẻ. Một thống kê gần đây cho thấy nếu đặt vé sớm bạn có thể tiết kiệm đến 43% giá vé thông thường.

9. Dùng các phần mềm so sánh giá:

Có rất nhiều phần mềm và ứng dụng hiện nay cho phép so sánh giá vé máy bay. Chỉ cần nhập vào điểm đi và điểm đến, ứng dụng sẽ tự động liệt kê ra các đường bay thẳng, bay quá cảnh 1 điểm, 2 điểm, v.v… với các mức giá kèm theo. Bạn có thể so sánh giá và thời gian bay, quá cảnh. Từ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mình. Các phần mềm/ứng dụng/dịch vụ kiểu này có SkyScanner, Momondo, Hipmunk. v.v… Riêng trang Momondo có điểm đánh giá về mức độ hợp lý về giá của từng phương án bay. Tuy nhiên, hãy lưu ý việc quá cảnh ở một số sân bay sẽ yêu cầu visa quá cảnh. Hoặc nếu việc quá cảnh quá lâu khiến bạn phải ở khách sạn hay ngủ đêm ở đâu đó thì cũng cần tính toán kỹ về chi phí.

10. Bay lúc ít người bay:

Nếu bạn chấp nhận, hãy bay đến nơi mình thích vào mùa thấp điểm của nơi đó. Giá vé có thể rẻ hơn. Một cách nữa, nếu bạn không sợ, hãy bay lúc một hãng hàng không nào đó vừa trải qua khủng hoảng. Khủng hoảng ở đây có thể là hãng vừa có máy bay gặp nạn, hãng đang gặp khó khăn về tài chính. Những lúc này, hãng thường có khuyến mãi giá rẻ. Đừng lo, tai nạn hàng không hiếm khi xảy ra và càng hiếm xảy ra với cùng 1 hãng trong 1 thời gian ngắn (từ trường hợp cá biệt như Malaysia Airlines hay TransAsia Airways trong năm qua). Việc bạn đi các hãng đang gặp khủng hoảng cũng chính là cách giúp họ vượt qua khó khăn. Nếu không sợ và vẫn tin tưởng hãng, cứ bay!


Ví dụ về giá vé hạng phổ thông đắt hơn cả vé hạng thương gia của Maldindo Air

Ví dụ về giá vé hạng thương gia tiết kiệm rẻ hơn vé phổ thông linh hoạt rên đường bay TP. Hồ Chí Minh-Đài Bắc của Vietnam Airlines

Ví dụ về vé hạng thương gia tiết kiệm rẻ hơn vé hạng phổ thông linh hoạt trên đường bay TP. Hồ Chí Minh đi Bangkok của Vietnam Airlines.

No comments:

Post a Comment