Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1044 (Giáp Thân), mất ngày 25 tháng 7 năm 1117 (Đinh Dậu). Quê quán tại hương Thổ Lỗi (Siêu Loại), ngày xưa thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Vào mùa xuân năm 1063 (Quý Mão), vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có được một đứa con trai để truyền lại ngôi báu. Vua bèn đi cầu tự tại khắp các miếu chùa hòng xin cho được một thái tử. Khi đi qua chùa Dâu (phủ Thuận Thành), dân làng nô nức đến xem, riêng có một người con gái dịu dàng vẫn thản nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Vua bèn cho gọi, hỏi vì sao nàng không nghênh giá, nàng trả lời: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng”. Vua vì cảm mến nên đã đưa nàng về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Chữ “ỷ lan” nghĩa là tựa gốc lan từ đấy mà ra.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử, đặt tên là Lý Càn Đức. Ỷ Lan phu nhân được phong làm Nguyên phi, đứng đầu các cung tần phi nữ, chỉ sau Thái hậu. Con trai Lý Càn Đức của bà được lập làm Thái tử.
Năm 1069 (Kỷ Dậu), vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành. Vì tin cậy, vua trao quyền điểu khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan. Nguyên phi ở lại chăm lo quốc sự, xử lý mọi việc trong triều ngoài xã hết sức đảm đang, được lòng dân chúng. Lúc bấy giờ, vua ở ngoài biên cương đánh giặc mãi mà không thành, bèn đem quân quay về. Mới về đến châu Cư Liên (thuộc Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), đã nghe dân tình ca ngợi Nguyên phi Ỷ Lan hết lời, còn gọi bà là Quan Âm. Vua tự trách: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!”, rồi tiếp tục trở ra đánh giặc. Mùa hạ năm đó, nhà vua trở về với ca khúc khải hoàn, ân xá tội phạm, giảm thuế, và ban phát lúa thóc cho dân chúng.
Năm 1072 (Nhâm Tý), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Thái tử Lý Càn Đức (6 tuổi) lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Do vua còn quá nhỏ, mọi việc trong triều cần người giúp vua cáng đáng. Hoàng thái hậu lúc bấy giờ là Thượng Dương, được sự ủng hộ của Thái sư Lý Đạo Thành lên nắm quyền. Về sau, nhờ có Lý Thường Kiệt giúp sức, Ỷ Lan mới chính thức lên ngôi Thái hậu, thay vua nhiếp chính.
Năm 1074, không nghĩ đến hiềm khích cũ, Ỷ Lan cho mời Lý Đạo Thành về lại triều giúp bà một tay ổn định và phát triển đất nước. Trọng trách điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt, bà đã hai lần giữ vững giang sơn trước sự tấn công của quân Tống xâm lược (năm 1075 và 1077). Ỷ Lan không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội – quốc phòng, chăm lo việc mở mang dân trí, thi cử học hành mà còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân.
Khi xã tắc bình an, năm 1103 (Quý Mùi), Hoàng thái hậu Ỷ Lan ra lệnh phát tiền ở kho nội phủ để cứu các thiếu nữ nghèo bị bán cho các nhà giàu. Sau đó, bà còn lo việc đem gả họ cho những đàn ông góa vợ, xây dựng cuộc sống chồng con hạnh phúc cho họ. Ngô Sĩ Liên đã nói về việc này: “Con gái nghèo nên phải bán mình ở đợ, con trai nghèo nên không có vợ. Thái hậu đổi đời cho họ âu cũng là việc làm chân chính”. Năm 1117, hiểu việc “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người dân Đại Việt, bà cho ra đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi, bảo vua phải phạt thật nặng những kẻ trộm và giết trâu, trị thật nghiêm cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác. Việc này khiến dân chúng càng kính trọng và biết ơn bà hơn. Xuất thân là một cô thôn nữ, dù có sống trong lầu son, gác tía, bà cũng không bao giờ quên dân nghèo, mà luôn luôn chăm lo cho đời sống của họ.
Bà còn làm rất nhiều việc từ thiện khác và lập nhiều đình chùa. Nhờ có những cuộc đàm đạo nổi tiếng của bà cùng các vị sư thời Lý, mà đến nay, ta mới biết được gốc tích về sự truyền bá đạo Phật vào nước ta.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là một trong những nữ danh nhân tuyệt vời của lịch sử Việt Nam. Bà được tôn thờ cho đến tận ngày nay tại Cụm di tích Đền – Chùa Bà Tấm tại chính quê hương của bà (nay là Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội).
No comments:
Post a Comment