Nằm ở độ cao gần 1.400 mét so với mực nước biển, qua những cung đường quanh co đẹp mê hồn, Suối Giàng với những cây chè cổ thụ là một điểm đến hấp dẫn. Trên đường đi Mù căng chải, hầu như mọi du khách không thể bỏ qua điểm đến hấp dẫn này.
Với tên gọi chè shan tuyết, theo giải thích của người dân địa phương, với cách chế biến đặc thù ở đây, những búp chè tươi to như búp đa phủ một lớp lông mơn mởn; khi chế biến rồi, búp chè vẫn to ngẫy; thân búp chè phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh, thơm ngào ngạt cùng với lớp khói bốc lên nên mới gọi là shan tuyết. Khi uống, đầu lưỡi có vị đắng sau dần chuyển sang ngọt dai dẳng ở cổ họng.
Chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Các gốc chè ở đây có thâm niên hơn 300 tuổi, thân to bằng cả người ôm, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Giống chè shan tuyết lưu niên hội tụ cả ba yếu tố: hương thơm, vị đậm và nước xanh. Điều đặc biệt là, từ khi thu hoạch đến khi chế biến đều dựa vào phần lớn phương pháp thủ công của người Mông nơi đây.
Cây chè shan tuyết cổ thụ phủ một lớp rêu xanh nhợt và đôi khi trắng mốc, cộng với “dáng” rất chuẩn, tạo hình uốn lượn xù xì, nhưng lá lại xanh ngắt tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, khiến ai cũng thích thú. Nhìn bao quát cả đồi chè, mới hiểu tại sao xứ sở chè Suối Giàng hút hồn du khách đến thế. Có lẽ, trên thế giới hiếm có nơi nào có nhiều cây chè cổ thụ hàng hai, ba trăm tuổi như ở Suối Giàng. Được biết, diện tích chè shan tuyết có gần 400 ha, trong đó diện tích cây chè cổ thụ trên 300 năm tuổi là gần 300 ha. Cây chè tổ còn được người dân nơi đây cúng xôi gà để cầu mong cho mùa bội thu.
Chế biến chè shan tuyết cũng lắm công phu. Thường thì ở Suối Giàng mùa đông không có mặt trời, ngay cả buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Đầu tiên chè tươi hái về, chọn những búp không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao, lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào.
Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn. Được tận mắt nhìn cô gái Mông nâng chén trà với đôi má ửng hồng vì lửa nóng từ lò sao, mới thấy giá trị của chè Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống, nó vượt lên là sự thưởng thức, thưởng thức cả cách làm nên hương vị ấy.
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi chè lá, chè búp, quyến rũ đến mức ta đã có cảm giác đáy họng mình cũng có vị chan chát, ngòn ngọt.
Nụ cười Suối Giàng |
Bên cây chè tổ hơn 300 năm tuổi |
No comments:
Post a Comment