15 November 2015

Quy Nhơn 11.2015

Điểm đến cuối cùng trong hành trình xuyên Nam Việt của mình là Qui Nhơn. Từ Tuy Hòa bọn mình thuê taxi đi Gành Đá Đĩa, rồi thấy còn sớm nên chạy luôn Qui nhơn, với quãng đường tổng cộng 130 km. Đường đi dọc bờ biển miền trung đẹp ngất ngây. Thi thoảng thấy cảnh đẹp là dừng xe chụp hình. Bãi Rạng là một nơi dừng chân như thế. Chạy xe gần đến TP Qui nhơn thì rẽ qua đường Mộng Cầm đi tắt về đường Hàn Mặc Tử, nơi có resort Hoàng Gia mà mình đã đặt phòng. Resort này có vị trí tuyệt đẹp bên bờ biển, có khuôn viên mê li, duy có trang thiết bị đã hơi bị xuống cấp. 

Bãi Rạng

Mộ Hàn Thi sĩ

Thăm mộ Hàn Thi sĩ


Sáng hôm sau thả bộ qua khu du lịch Ghềnh Ráng, nơi có mộ Hàn Mặc Tử, bãi đá Hoàng Hậu và Hòn Chồng. Khu du lịch Ghềnh Ráng rất đẹp, có nhiều cây xanh. Khu mộ Hàn Mặc Tử được trang trí với nhiều tấm bia thơ viết theo kiểu thi pháp, chắc do thi sĩ Vũ Kha là tác giả. 

Bãi Biển trong resort Hoàng Gia
Bãi tắm Hoàng Hậu

Tháp Cánh tiên

Lần đầu đến Qui Nhơn cách đây chục năm là mình theo tour, chỉ đi mấy điểm chính là khu Mộ Hàn Thi sĩ và bảo tàng Quang Trung, không biết đến những tháp Chàm nổi tiếng của Bình Định. Lần này bọn mình đến được cụm tháp Dương Long (3 tháp) ở huyện Tây Sơn; tháp Bánh Ít (4 tháp) ở Phước Lộc, Tuy Phước; tháp Cánh Tiên ở Nhơn Hậu, An Nhơn và tháp Đôi (2 tháp) ở gần đường Trần Hưng Đạo, cửa ngõ vào thành phố.
Theo tiếng Chăm, các tháp Champa này được gọi là kalan, nghĩa là "lăng". Các lăng này được các đời vua Chăm xây dựng để thờ cúng các vị thần. Các vị thần được thờ phượng có thể là các vị thần Ấn Độ giáo tiêu biểu như Shiva, Ganesha... hoặc còn có thể là các vị Phật. Điều này tùy thuộc vào đức tin của mỗi vị vua ở các triều đại khác nhau. Các công đoạn xây dựng tháp bao gồm: Chuẩn bị chất kết dính; Đúc gạch theo khuôn đã định sẵn; Nung gạch lần 1; Xếp gạch theo mô hình tháp bằng chất kết dính; Nung tháp; Gọt dũa, trang trí và điêu khắc và hoàn chỉnh toàn bộ khối tháp. Vật liệu kết dính để xây tháp Champa là loại keo được tinh chế từ cây dầu rái. 

Tháp Bánh Ít
Tháp Đôi
Tháp Dương Long
Ngôi mộ của tướng Võ Tánh thời nhà Nguyễn, đã tự tử khi thua trận Tây Sơn.
Thành Hoàng Đế do Nguyễn Nhạc xây dựng năm 1776 trên nền của kinh đô Đồ Bàn, Vương quốc Champa. Thành Hoàng Đế cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía bắc, nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành Hoàng Đế cũng như các kinh thành khác gồm 3 vòng thành, với chu vi 25 dặm. 

Chùa Thập Tháp Di Đà

Khu du lịch Hầm Hô thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cách Thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc. Nằm trong lòng sông Kút đổ ra sông Kôn, Hầm Hô có vẻ đẹp thật kỳ vĩ. Núi rừng trùng điệp, hai bên bờ sông rừng cây nguyên sinh rợp bóng mát và vách núi dựng đứng. Tiếc là tụi mình đến đây sau ngày mưa nên nước sông đục ngầu, không trong xanh như thường thấy ở đây. Mùa mưa nơi này vắng khách, chỉ có bọn mình là khách duy nhất, anh bảo vệ lo ngại đến an toàn còn lẽo đẽo đi theo canh chừng và chụp hình giúp. 

Hầm Hô
Bảo Tàng Quang Trung
Đàn Tế trời đất
Chùa Hang

Chùa Sơn Long, dân địa phương quen gọi là chùa Hang, có từ hơn 300 năm và là một ngôi chùa cổ thứ nhì của tỉnh Bình Định, chỉ đứng sau chùa Thập Tháp (An Nhơn). Chùa Sơn Long nguyên là Giang Long Thiền Thất, tọa lạc trên sườn núi Trường Úc. Sau đó, chùa được tái thiết trên một khu đất hình thang sát chân núi (Trường Úc), cách cầu Trường Úc khoảng 700m về hướng Đông.

Nhà Thờ Nhọn

Nhà thờ chánh tòa Qui Nhơn có hình dạng khá đặc biệt, mà dân địa phương hay gọi là nhà thờ Nhọn cho dễ nhớ. Sáng sớm ra sân bay mình mới đảo qua chụp ảnh nhà thờ độc đáo và đẹp này. Nhà thờ được khánh thành vào năm 1939. Nhà thờ được xây dựng theo bố cục hình thánh giá, dài 57,5 mét, rộng 22,6 mét. Nhà thờ có sức chứa lên đến 1.500 người. Điểm đặc biệt là nhà thờ có một tháp nhọn cao 47,2 mét cao vút lên nền trời. Để mừng kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn 1939-1989, Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các đã cho lát đá hoa cương gian cung thánh và sơn quét lại ngôi thánh đường. 

Đi dạo trong resort bên bờ biển
Bánh Hỏi - cháo lòng, đặc sản Qui Nhơn

Nghe quảng cáo nhiều món đặc sản của Qui Nhơn mà mình chỉ được nếm thử mỗi món này trên đường ra sân bay. Bánh hỏi rất ngon, nhưng lại được ăn kèm với lòng và cháo lòng, nghe hơi kỳ lạ nhưng nếm thử cũng thấy ngon. Thêm một điểm sáng của du lịch nơi đây là khách du lịch ít khi bị chặt chém như những TP du lịch đông đúc khác. Suất bánh hỏi/cháo lòng ngon lành như trên chỉ có 30K. Ngoài ra ăn sáng trong resort cũng có một số món ngon của Bình Định như bánh hỏi, bánh bèo... Tiếc là không được thử món bún song thằn nổi tiếng đất Bình Định.

No comments:

Post a Comment