Địa chỉ: Phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội
Chùa Một Cột nằm trong quần thể chùa Diên Hựu trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào mùa đông tháng 10 âm lịch nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1409) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi và nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Khi chùa khánh thành, các sư chay đàn, tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch, nhà vua lại đến chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội.
Chùa xây chỉ có một gian gọi là Liên Hoa Đài (đài hoa sen), ta quen gọi là chùa Một Cột, có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) có đường kính 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối, gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.
Ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng hoa sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng, đặc biệt là sử dụng các cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ như đường lượn của cánh sen, thiết lập sự hài hoà giữa mái và sàn bởi một đối xứng ảo.
Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840 - 1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.
Chùa Một cột đã được Bộ Vǎn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 28/4/1962.
2. CHÙA TRẤN QUỐC
Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội
Soi mình bên bóng nước hồ Tây đã 15 thế kỷ, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất, với bao huyền thoại từ tên gọi Khai Quốc, nay trở thành một di sản văn hóa trong lòng Hà Nội. Chùa Trấn Quốc thuộc địa phận làng Yên Hoa bên bờ sông Hồng (nay nằm trên đường Thanh Niên thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ).
Vào thời vua Lý Nam Đế (544 - 548), chùa có tên là Khai Quốc. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Chùa được dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Sau đó, người ta cho đắp đê Cổ Ngư và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng. Chùa được trùng tu với quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tôngnăm 1639. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.
Đến niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.
Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.
Chùa có lối kiến trúc độc đáo gồm nhiều lớp, nhiều tượng Phật được xếp từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ.... Chùa có 3 nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích nhắc đến việc xây dựng chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Đặc biệt chùa còn có vườn tháp lớn với rất nhiều tháp. Ở khuôn viên chùa có cây bồ đề xum xuê cành lá, đó là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Chùa Trấn Quốc đã sống một cuộc đời riêng, hòa chung trong lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến mà mỗi viên ngói trên mái chùa rêu phong đều mang trong mình một câu chuyện, gợi lên hoài niệm về những kí ức của Hà Nội.
3. CHÙA QUÁN SỨ
Địa chỉ: Số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Ðạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương; ngày nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt.
Tam quan chùa kiểu ba tầng mái, chính giữa là lầu chuông. Đi qua một sân gạch nhỏ, bước lên 11 bậc thềm là tới chính điện, hình vuông, có hành lang bao quanh, điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy, phía trong cùng thờ ba vị Tam thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ Phật Thích-ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình.
Các nhà chính và nhà phụ chùa Quán Sứ đều rộng rãi. Nơi đây từng là trụ sở báo Đuốc Tuệ. Hiện nay chùa có giảng đường, thư viện, là nơi đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam).
4. CHÙA ĐẬU
Địa chỉ: Thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội
Theo tích xưa, vì chùa thờ nữ thần Pháp Vũ (bà Đậu) nên được nhân dân gọi là chùa Đậu, chùa còn có nhiều tên gọi khác là: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, Chùa Vua, Chùa Bà.. Theo văn bia để lại chùa được xây dựng từ thời triều nhà Lý, thế kỷ thứ XI. Chùa được xây theo kiểu "nội công ngoại quốc". Tam quan chùa là một gác chuông đẹp, hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá.
Đặc biệt là trong chùa còn có hai pho tượng của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã tu ở chùa vào khoảngXVII, được tạo thành bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài chính thi hài các nhà sư. Đầu năm 1993, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và thi công trùng tu hai pho tượng này. Khi chiếu tia X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng: Không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc và các khớp xương dính chặt với nhau như thể tự nhiên. Đây là hai vị Thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan.
Tượng nhục thân nhà sư Vũ Khắc Minh nặng 7 kg, chiều cao ngồi 57cm. Qua vết nứt rộng 2mm ở đầu và mặt thấy trong cùng là xương sọ, tiếp đến khoảng không rồi tới lớp bồi dày 2 - 4mm. Chất liệu bồi là đất gò mối tơi mịn trộn sơn sống, mùn cưa, giấy bản. Phủ ngoài chất bồi này là một lớp sơn ta mầu cánh dán dày 0,1mm. Hiện nay, đôi chỗ trên tượng hiện ra những lá bạc mỏng phủ ngoài lớp sơn ta, còn ngoài cùng là một lượt quang dầu.
Chùa Đậu vốn đã huyền bí và mang trong mình những giá trị tâm linh lớn lao từ hai vị thiền sư đắc đạo, nay càng trở nên hấp dẫn hơn bởi kỳ tích khôi phục tượng táng của các nhà khoa học Việt Nam.
5. CHÙA HƯƠNG
Địa chỉ: xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, là một quần thể những danh lam thắng cảnh và di tích nằm trên một dải núi chạy từ núi Hoàng Con trong dãy Hoàng Liên Sơn, vượt qua sông Đà, núi Ba Vì, qua Chương Mỹ xuống mãi Nho Quan - Ninh Bình. Trong cụm danh thắng Hương Sơn, bên cạnh các cảnh đẹp thiên tạo như suối Yến, động Hương Tích, động Tiên Sơn, động Tuyết Quynh, suối Giải Oan... còn rất nhiều các công trình kiến trúc nghệ thuật do bàn tay con người, qua các thời kỳ tạo nên, và đã trở thành những di tích lịch sử rất có giá trị như đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng, Hương Sơn Tự...
Theo truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn 2000 năm và đã được đặt tên Hương Sơn - lấy tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Độ), nơi đức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng rã.
Đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh đất chùa Thiên Trù. Theo sách "Hương Sơn Thiên Trù thiên phú" thì chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Bia tại chùa Thiên Trù có ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim Dung bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686.
Các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Cho đến đầu thế kỷ XX, trong khu vực này đã có hơn 100 ngôi chùa.
Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793.
Trong động Hương Tích còn có quả chuông đồng cao 1,24m, đường kính đáy 0,63m đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655).
Chùa Hương là thắng cảnh có doanh thu lớn trong ngành Du lịch. Hội chùa Hương Sơn là hội chùa kéo dài nhất ở Việt Nam trong suốt 3 tháng sau Tết Nguyên đán.
6. CHÙA THẦY
Địa chỉ: Chùa Thầy nằm ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội
Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy, tương truyền được xây dựng từ thời Lý, nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự, theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng. Trước cửa chùa có đầm Long Chiểu, giữa có thủy đình nơi thường diễn rối nước. Hai chiếc cầu gỗ cổ kiểu “thượng gia hạ kiều” ba nhịp có mái che do Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) xây dựng năm 1602. Bên trái là cầu Nhật Tiên, trông vào đền Tam phủ, làm trên một đảo nhỏ giữa ao. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, đi lên chùa Cao trên núi.
Cụm kiến trúc chính là chùa Cả gồm ba lớp nhà lớn, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh, đối diện với thủy đình. Lớp ngoài là nhà tiền tế, lớp giữa thờ Phật, lớp trong cùng thờ Từ Đạo Hạnh, bộ mái đồ sộ, lớp ngói mũi hài to bản và dày, bốn góc cong vút đặt trên bộ khung gồm 4 cột lớn và mười hai cột nhỏ bằng gỗ quý kê trên tảng đá, liên kết với nhau bằng hệ thống xà hoành. Khớp mộng vững chắc, xung quanh lắp ván bưng đố lụa với nhiều mảng trang trí chạm hình rồng, lân, mây, lửa. Trong chùa có ba pho tượng diễn tả 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh. Chính giữa là tượng đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực. Bên trái là tượng gỗ bạch đàn, chân có chốt khớp cử động được. Bên phải là tượng sau khi đầu thai vào cung cấm trở thành vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trong chùa còn có tượng cha mẹ thiền sư; lưng ngai chạm trổ tinh xảo; có các biểu tượng nho giáo (phủ việt, đầu rồng), Phật giáo (quả phúc) và Đạo giáo (sừng tê ngọc báu) ghi rõ niên đại (1346). Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông cổ tương truyền đúc từ thời Lý và lầu trống có trống lớn đường kính 1,5m. Qua cầu Nguyệt Tiên lên núi là chùa Cao. Sau chùa là hang Thánh Hóa. Từ chùa Cao theo lối mòn ven núi lên hang Cắc Cớ sau đó đến Thượng Chỉ, phía sau là hang Bụt Mọc, có nhiều tảng đá lô nhô như tượng Phật. Trên Sài Sơn có hang Gió, chợ Trời (phía trên chùa Cao) ngổn ngang những hòn đá hình bàn ghế, kệ bày hàng... có phiến đá nhẵn gọi là bàn cờ tiên.
Như vậy, quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau.
Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc.
Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước.
7. CHÙA TRĂM GIAN
Địa chỉ: Thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Chùa Trăm Gian là ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185). Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại.
Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là 1 gian thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính.
Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.
Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,1m, đường kính 0,6m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794). Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.
Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thì tới cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà tổ, giữa lại có lầu trống bên trong treo một trống lớn, đường kính 1 m và một khánh đồng dài 1,20 m, cao 0,60 m đúc năm 1749. Tại đây có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệ đá thời nhà Trần. Trên bệ đá là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần. Trên bệ đặt các tượng Phật tam thế. Trong chùa còn có nhiều bia, hoành phi, câu đối... Riêng có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ (1400- 1406).
Hai bên là hai dãy hành lang. Trong cùng là nhà thờ Tổ. Ở giữa còn có gác trống, treo một chiếc trống lớn và một khánh đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).
Trong chùa có tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía Nam Thăng Long. Tượng này được phát hiện vào năm 1972. Ngoài ra còn có tượng Đức Thánh Bối đặt trong khám gỗ gian bên phải. Đây là tượng cốt rút bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông.
Chùa Trăm Gian là một ngôi chùa theo kiểu tiền phật hậu thần, ngoài việc thờ phật, trong chùa còn đặt khám thờ Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân tộc với phát triển của lịch sử.
8. CHÙA TÂY PHƯƠNG
Địa chỉ: núi Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa Tây Phương ở núi Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Theo các tài liệu để lại thì chùa xây từ đời Cao Biền (865 - 875), vào niên hiệu Chính Hoà (1680 - 1705), Tây Vương Trịnh Tạc đi qua thấy cảnh trí trang nghiêm, bèn truyền cho sửa chữa lại chùa và xây tam quan. Sau đó chùa bị phá. Chùa Tây Phương còn đến nay đã được xây lại trên nền chùa cũ, vào khoảng 1788 - 1789 dưới triều Tây Sơn. Hiện trong chùa còn chuông đồng đúc năm Bính Thìn 1796, năm Cảnh Thịnh thứ 4 và bài Minh do Phan Huy ích soạn khắc vào chuông năm Mậu Ngọ (Cảnh Thịnh thứ 6).
Chùa Tây Phương xây 3 toà xếp thành hình chữ tam (三), nhìn bề ngoài mỗi toà có 2 tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong vút. Toà giữa hẹp nhưng cao hơn toà thượng và hạ. Do xếp hình chữ tam, không nối liền mà mỗi toà cách nhau một quãng nhất định, thềm toà nọ cách thềm toà kia là 1,6 m, nên nội thất mỗi toà đều được chiếu sáng. Các toà nhà gạch trần theo hình cong và được chạm trổ theo kiểu “bán âm, bán dương”, hay kiểu “sắc sắc không không” theo triết lý nhà Phật. Phía trong chùa dựng theo lớp chồng giường thống nhất, chồng cột có xà đỡ.
Nơi đây còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo.
Ðặc biệt chùa Tây Phương là nơi hội tụ những tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc dân tộc như chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Chùa có tất cả 62 pho tượng lớn nhỏ có giá trị nghệ thuật cao như các pho Tam Thế, A-di-đà, Tuyết Sơn, Di Lặc, Kim Cương, 18 vị La Hán, tượng Phật Bà Quân Âm nghìn mắt nghìn tay (thế kỷ XIX). Chùa còn có quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) và nhiều bộ hương án quý.
Chùa Tây Phương là một di tích lịch sử có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc đồng thời là một thắng cảnh đẹp của Hà Nội.
9. CHÙA TRẦM
Địa chỉ: xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Chùa Trầm được gọi tên theo tên ngọn núi mà chùa dựa vào. Tương truyền ngày xưa ở trên đỉnh núi này có một cây trầm rất to, thân cây nhiều người ôm không xuể, tỏa hương thơm khắp vùng. Sau này, dù cây không còn nữa nhưng người ta vẫn gọi là núi Trầm hay núi Tử Trầm. Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung.
Chùa Trầm được xây dựng năm Ất Hợi (1515) do Trần Văn Tăng, một tướng quân xuất gia giảng đạo, khởi xướng. Toàn bộ khu núi Trầm này xưa kia cũng là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung và đã cho xây nhiều công trình mà nay vẫn còn dấu tích. Chùa Trầm nhỏ, mang vẻ đẹp cổ kính.
Quần thể chùa gồm nhiều thắng cảnh đẹp: Đền Mẫu nằm lưng chừng núi, hang Long Tiên có đường dẫn lên đỉnh núi Trầm (tục gọi là đường lên trời), có hang sâu dẫn ngầm vào trong núi (tục gọi là đường xuống âm phủ). Trong hang có tượng của các vị phật, tiên, hộ pháp tạc bằng đá rất sinh động. Nơi đây còn lưu trữ những bài thơ cổ khắc trên vách đá, khánh đá, chuông đồng ... được tạo tác qua các thời đại.
Hang Trầm còn được biết đến vì gắn với một sự kiện lịch sử trong kháng chiến chống Pháp. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì 1 ngày sau, ngày 20/12, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Hang Trầm là nơi ghi dấu chân Người trong những ngày cách mạng hào hùng.
Đứng trên đỉnh núi Trầm có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng đất So Sở và các danh thắng kề cận như chùa Vô Vi, chùa Trăm Gian ....
10. CHÙA MÍA
Địa chỉ: xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội
Chùa Mía thuộc làng Mía còn có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự. Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam.
Chùa Mía được xây dựng vào thời Trần. Đến thế kỷ XVII, chùa đã bị đổ nát, hoang phế nhiều. Năm Đức Long thứ tư (năm 1632), bà Nguyễn Thị Dong, vợ chúa Trịnh Tráng (1632 - 1657), được nhân dân tôn kính gọi là Bà Chúa Mía, đứng ra hưng công để xây dựng lại. Chùa nằm trên một ngọn đồi đá ong, có quy mô lớn, được tách ra làm ba khoảnh tách bạch. Phía ngoài cùng là gác chuông, tiếp đó là mảnh sân, ở phía bên góc phải là một cây đa vài trăm tuổi, tán lá sum suê che mát cả một khoảng rộng, tạo cho khu chùa Mía một cảnh yên tĩnh mát mẻ và linh thiêng. Qua một cổng gạch là đến dãy nhà thụ trai (nơi ở của các nhà sư). Tiếp đến là khu nhà chính gồm: Nhà bái đường, chùa hạ, chùa trong và thượng điện. Lúc đầu chùa Mía chỉ có cổng và 2 tòa thượng điện, hậu đường, mỗi tòa 7 gian dựng song song. Chùa được tu bổ và hoàn chỉnh dần vào thế kỷ XVII và thế kỷ XIX.
Gác chuông của chùa là ngôi nhà 3 gian làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Trên gác treo một quả chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1864).
Chùa Mía khá nổi tiếng với 287 pho tượng lớn, nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Ở chùa Trung có 2 pho tượng Hộ Pháp lớn và 8 pho tượng Kim Cương. Mỗi pho tượng là hình tượng một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để trừ tà bảo vệ Phật pháp, hình khối, bố cục vững chắc, thân hình cân đối, đường nét thoải mái và khỏe. Tại chùa Thượng, người ta còn thấy các động bằng đất đắp. Trong và xung quanh các động có khá nhiều tượng. Trong một động có cả tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Pho tượng Tuyết Sơn cao 0,76 m và Quan Âm Tống Tử cao 0,76 m ở đây cũng rất đẹp. Tượng Quan Âm thường được gọi là tượng Bà Thị Kính, diễn tả một người phụ nữ thùy mị, có duyên, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất hiền từ nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh, đường nét chạm khắc mềm mại, trau truốt.
Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo, với quy mô bề thế và đẹp. Chùa Mía đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
11. ĐỀN QUÁN THÁNH
Địa chỉ: Cuối đường Thanh Niên, Q. Ba Đình, Hà Nội
Đền Quán Thánh với kiến trúc cổ kính, uy nghi tạo cho phía Nam hồ Tây một vẻ đẹp đặc sắc kinh kỳ. Khi dời đô về Thăng Long, năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã chọn địa điểm này để xây đền thờ thánh Trấn Vũ - vị thần trấn giữ phương Bắc. Vì thế, còn có tên là đền Trấn Võ, Quan Thánh Trấn Võ, hay Quán Thánh. Đây cũng chính là một trong những ngôi đền nổi tiếng trong “Thăng Long tứ trấn” của xứ Hà thành xưa.
Các bộ phận kiến trúc hiện thấy, là kết quả của lần trùng tu lớn, hồi thế kỷ XIX, bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Ở đây có pho tượng bằng đồng đen đúc năm 1677 (năm Vĩnh Trị thứ 2 - vua Lê Hy Tông), thay cho bức tượng gỗ có từ trước đó. Tượng cao gần 4m, nặng 4 tấn, chu vi phần dưới 8m, tạc hình Huyền Thiên mặc áo đạo sĩ màu đen, chân trần, cánh tay tròn vạm vỡ, ngón trỏ giơ lên ngực bắt quyết, tay phải chống gươm trên lưng rùa. Tượng đứng trên bệ đá cao 1,5m. Ngoài giá trị nghệ thuật, tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây 3 thế kỷ.
Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền, các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới... được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Trải qua gần 1 thiên niên kỷ nhưng ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn, duyên dáng bên hồ Tây thơ mộng và tồn tại trong lòng người Hà Nội.
12. ĐỀN KIM LIÊN
Địa chỉ: Phố Kim Hoa, Quận Đống Đa, Hà Nội
Đình và đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn) là trấn phía Nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long.
Đền Kim Liên vốn được lập để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi). Theo tài liệu lưu giữ tại đền, thì đền được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ ngay khi vị hoàng đế này rời đô tới Thăng Long, với mục đích để bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam. Năm 1509, quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã đi qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó một tuần, sự nghiệp của Lê Tương Dực thành công. Vị vua này liền cho xây lại đền Kim Liên với kiến trúc như hiện nay.
Sau này, dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền ngay sát đầm Kim Liên và bổ sung thêm một số kiên trúc mới, tạo thành đình Kim Liên. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu, và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kiến trúc của đình bao gồm 2 phần tương đối rõ: phần phía trước gò có một cổng trụ biểu, hai dãy giải vũ hai bên sân gạch rộng và phần kiến trúc chính của di tích nằm trên gò đất cao. Đi hết khoảng sân trên thì qua 9 bậc gạch cao được xây bằng những viên gạch vồ có kích thước lớn thời Lê Trung Hưng nối 2 bộ phận kiến trúc trên.
Đình chính gồm nghi môn, đại bái và cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. Trên các bộ phận kiến trúc các họa tiết trang trí được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nhà đại bái gồm 5 gian mới được thành phố tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Hậu cung là một nếp nhà 3 gian dọc, xây gạch trần, mái lợp ngói ta. Trong nhà xây vòm cuốn, nội thất được bố trí như sau: gian ngoài cùng, bó bệ gạch cao để đặt hương án; gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương - công chúa con gái vua Lê và Huệ Minh công chúa).
Di vật quan trọng nhất tại đình Kim Liên là tấm bia đá "Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh" do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620).
Hội đền và đình Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng Ba Âm lịch hàng năm.
13. ĐỀN VOI PHỤC
Địa chỉ: Nằm cạnh Công viên Thủ Lệ, Quận Ba Đình, Hà Nội
Đền Voi Phục được dựng trên đất làng Thủ Lệ xưa, là trấn phía Tây trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì tại cửa đền có đắp 2 con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền còn có tên là đền Thủ Lệ hoặc Linh Lang do thờ thần Linh Lang Đại Vương.
Xây dựng từ đời Lý Thái Tông (1028 - 1054) bên một hồ rộng có tên là Linh Lang, đền thờ Linh Lang Đại Vương, tương truyền đây có thể là hoàng tử Hoằng Chân con vua Lý Thái Tông do một bà phi người làng Bồng Lai (Đan Phượng) sinh ra ở Trị Chợ, Thủ Lệ. Hoàng tử đã tham gia trận đánh quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu và hi sinh tại đó. Còn thần tích kể rằng: Cảo Nương là một cung phi của vua Lý ra tắm ở hồ Tây bị rồng cuốn lấy người, về có mang sinh ra hoàng tử trên mình có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm sáng long lanh như ngọc trên ngực. Lớn lên Linh Lang xin đi cầm quân, đánh thắng quân Tống. Vua muốn nhường ngôi cho nhưng chàng từ chối, về ở Trại Chợ, sau bị bệnh từ trần hóa thành con rồng đem cuốn quanh phiến đá rồi đi xuống hồ Tây biến mất. Vua bèn cho lập đền thờ ở ngay nơi ở của hoàng tử.
Thần Linh Lang đã bị bao phủ bởi một tấm màn huyền tích dày đặc, nhưng lần dở lại những trang sử có thể thấy thần Linh Lang là một nhân vật lịch sử có thật, đó là 2 hoàng tử nhà Lý đã theo Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược Tống bên bờ sông Như Nguyệt và đã hy sinh. Và đền Linh Lang được lập để nghi nhớ công lao của 2 người anh hùng chống giặc ngoại xâm được nhân dân linh hóa thành thần Linh Lang biến thành giao long bò xuống nước và biến mất.
Trải qua những biến thiên của lịch sử và nhiều lần trùng tu nay đền không còn hình dáng cũ. Đầu năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp đúc lại quả chuông chiều cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, mỗi múi có 2 hàng chữ Hán đúc nổi "Tây trấn thượng đẳng". Lễ hội đền Voi phục được tổ chức vào khoảng ngày 9 - 11/2 Âm lịch. Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh tiền rất nhộn nhịp.
14. ĐỀN BẠCH MÃ
Địa chỉ: 76 Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Được xây dựng trước khi có kinh thành Thăng Long, đền Bạch Mã nằm ở hướng chính Đông, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Xưa kia nơi đền Bạch Mã tọa lạc thuộc địa dư phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.
Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long. Theo truyền thuyết, khi vua Lý Công Uẩn định đô Thăng Long (1010), xây thành mà cứ bị sụt lở, ông tới đây cầu lễ và lạ thay, một buổi sáng chợt thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy vòng quanh khu vực đang xây thành, chạy đến đâu để dấu chân đến đấy rồi trở lại đền và vụt biến. Vua Lý cứ theo vết chân ngựa mà xây, thành không lở nữa. Vua bèn phong thần Long Đỗ làm Thành hoàng bảo vệ cho Thăng Long. Từ đó thần có thêm tên là Bạch Mã.
Hiện tại ngôi đền có qui mô kiến trúc lớn gồm có nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau. Các hạng mục này được bố trí theo chiều dọc, trong một không gian khép kín. Kiến trúc đền còn lưu lại hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Nổi bật trong kết cấu kiến trúc của đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, các bộ vì đỡ mái được làm kiểu "giá chiêng chồng rường con nhị", đặc biệt là "hệ củng 3 phương" tại nhà phương đình vừa có tác dụng chịu lực, vừa là tác phẩm nghệ thuật và sử dụng để treo đèn trong các ngày lễ hội và kết cấu "vòm vỏ cua" đỡ mái hiên nhà thiêu hương. Trên các cốn gỗ, xà lách, xà ngang, các vì chồng rường đều có nhiều mảng trang trí với các đề tài phong phú và nét chạm chắc, khỏe.
Hiện nay đền vẫn giữ nguyên cấu trúc, nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc “tam nguyên đồng hoá” tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1986. Đến nay, đền còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng, Cùng với các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, di tích đền Bạch Mã là một nguồn tư liệu quí để nghiên cứu, tìm hiểu Thăng Long-Hà Nội về nhiều mặt.
Lễ hội đền hằng năm vào tháng Hai Âm lịch, trước đây có tổ chức lễ đánh trâu rước xuân. Có hơn 1000 năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.
15. ĐỀN NGỌC SƠN
Địa chỉ: Đường Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền thờ nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đền được xây dựng từ thế kỷ XIX. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi gọi là đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ XIII.
Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên đền là Ngọc Tượng, đến đời nhà Trần đổi tên là Ngọc Sơn. Tại đây đã có một ngôi đền dựng lên để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mông Nguyên. Về sau lâu ngày đền ấy sụp đổ, đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thuỵ Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời nhà Lê, cung Thuỵ Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn.
Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.
Trên núi Ngọc Bội cũ, nhà nho Nguyễn Văn Siêu cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên, trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có hình ba con ếch đội. Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: "Nhất đài Phương Đình bút". Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.
Tên cầu Thê Húc nghĩa là “giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời”. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) dưới bóng cây đa cổ thụ, ở giữa một vùng cây cối um tùm, trông như từ dưới nước nhô lên. Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Tượng đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút. Phía Namcó đình Trấn Ba (đình chắn sóng - ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hoá đương thời). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.
Các nhân vật được thờ trong đền ngoài Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo, còn thờ cả Phật A-di-đà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt nam.
Tuy là một ngôi đền kiến trúc mới, song đền Ngọc Sơn là một điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc. Sự kết hợp giữa đền và hồ đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất, tạo vẻ đẹp cổ kính, hài hoà, đăng đối cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hoà giữa con người và thiên nhiên.
16. ĐỀN THỜ HAI BÀ TRƯNG
Địa chỉ: Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội
Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện). Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, hai bà là chị em sinh đôi, bà chị có tên là Trưng Trắc, em gái có tên Trưng Nhị. Hai bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dậy bảo nên khi lớn đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí tự lập. Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí chống giặc Hán đô hộ. Một năm sau, ông Thi Sách bị viên quan Thái Thú nhà Hán là Tô Định giết. Căm thù giặc cướp nước, hận kẻ thù giết chồng, ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (40 sau CN), được mẹ và thầy học cổ vũ, giúp đỡ, bà Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị dựng cở khởi nghĩa, quân dân trong vùng theo về rất đông tụ nghĩa dưới cờ. Trước lễ xuất quân, dưới ngọn cờ đào, bà Trưng tuốt gươm thề cùng trời đất, lời thề như lời hịch đầy hào khí, suốt hai ngàn năm sử sách và dân gian vẫn còn lưu giữ và truyền tụng…
Để tưởng nhớ công đức của Hai Bà, nhân dân Vĩnh Phúc đã lập đền thờ tại thôn Hạ Lôi, xã Mê linh, huyện Mê Linh, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Đền thờ Hai Bà toạ trên một khu đất cao thoáng đãng. Theo thuyết phong thuỷ: Đền toạ lạc trên thế đất "Trán con voi trắng" trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), đến tận bây giờ vẫn còn vết tích của những nơi như ao Mắt Voi, vòi voi và hồ Ao bàng; phía trước là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa kia chạy vòng phía trước Đền. Sau đền là khu vực thành cổ gồm 2 lớp: trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là Thành Ống.
Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay có các công trình: Tam quan, nhà tiền tế, nhà trung tế và hậu cung. Phía ngoài hậu cung có cây Lụa già, là hộp thư bí mật, tại đây những năm 1943- 1944, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng làm một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945.
Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1980.
17. ĐỀN GIÓNG
Địa chỉ: Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Khu di tích lịch sử đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội là nơi thờ Thánh Gióng cùng quần thể các đền thờ Phật và các vị thần. Đền thờ Thánh Gióng, một vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân sang xâm lược nước Văn Lang vào đời vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược ông đã phi ngựa đến chân núi Sóc Sơn, ghìm cương, cởi giáp và nón treo lên một cành cây, rồi quay chào bốn phía quê hương. Cả người lẫn ngựa từ từ bay thẳng lên trời, từ bấy đến giờ không còn thấy trở về dân gian. Từ đó hàng năm người dân tổ chức hội đền Sóc Sơn vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch. Dưới chân núi, ở dốc Mã và làng Mã có rất nhiều ao chuôm, người ta bảo đó là dấu chân ngựa của Thánh Gióng, khi về đến đây ngài xoay ngựa khắp bốn phía. Ngựa hí vang trời rồi mới nhún mạnh bốn vó phóng lên trời.
Nhân dân trong xã cho biết: Trước kia đền quay về hướng Đông, tới đời Lê mới xoay về hướng Bắc với lý do “giặc thường từ hướng đó đến”, biểu lộ ý thức cảnh giác cao của cha ông ta trong truyền thống đánh giặc giữ nước.
Hội đền ngay ở gần quốc lộ 3, có núi cao, rừng thông, hồ rộng tạo nên cảnh quan du lịch hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà thu hút sự quan tâm, thích thú của đông đảo khách nước ngoài.
18. ĐỀN VÀ
Địa chỉ: xã Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội
Đền Và còn gọi là Đông Cung thờ Đức thánh Tản Viên trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, đền Và có quy mô khá lớn với nghi môn, tả - hữu mạc, hậu cung... tạo thành một quần thể kiến trúc theo kiểu cung đình. Ngoài thánh Tản Viên, đền còn thờ đức quốc mẫu - mẹ thánh Tản Viên và hai anh em Cao Sơn, Quý Minh - tướng của đức Tản Viên.
Đền Và nằm giữa đồi Và, một đồi cây có diện tích khoảng 17.500 m² trồng nhiều cây lim cổ thụ, ngoài ra còn có mít,thông, đại, muỗm…. Trong đền trồng cây vóc vàng và hai bên nhà tiền tế có hai cây lan cao to, đây đều là những loài nở hoa về mùa hè. Theo thuyết phong thuỷ, khu đồi có hình dáng con rùa (Kim Quy) đang bơi về phía mặt trời mọc. Khu vực kiến trúc rộng khoảng 2.000 m² được bao ở hai bên và phía sau bởi tường thành bằng đá ong cao 2m15. Tường được xây hai lớp, theo cách thức thượng thu hạ thách, chính giữ lèn đất. Trong dân gian lưu truyền rằng, đá ong xây tường được lấy ở đồi Vông, thôn Vân Gia, còn gọi là "xóm Rắn" nên có câu thành ngữ "cấu cổ con xà, đè cổ con quy".
Đền Và đang lưu giữ 5 bản thần tích "Tản Viên Sơn Thánh"; 18 đạo sắc phong của các đời vua, trong đó có 17 bản chính có dấu ấn; 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Nơi đây còn có 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ. Trên những hiện vật đó khắc ghi thời gian xây dựng, tu sửa, ca ngợi cảnh quan, uy linh của Thánh Tản Viên với nhiều nét trang trí có giá trị mỹ thuật cao vừa thể hiện nét văn hóa tâm linh. Các bản thần tích, sắc phong, văn bia đền Và rất giàu giá trị Hán - Nôm, trong đó có văn thơ của Nguyễn Khản,Nguyễn Thiện Kế, Trần Lê Nhân...
Vị thần được thờ phụng ở đền Và là Thánh Tản Viên, đứng đầu trong tứ bất tử và là "Thượng đẳng tối linh thần", "Đệ nhất phúc thần", "Nam thiên thần tổ" ... "là người anh hùng văn hoá sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thuỷ, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc, khi chết Tản Viên là phúc thần trừ tai hoạ cho dân". Từ thờiHậu Lê, nơi có đền Và là lỵ sở của huyện Tùng Thiện cũ, đền Và trở thành trung tâm tín ngưỡng hàng huyện nên người dân quan niệm ở đó thiêng hơn những nơi khác cũng thờ Thánh Tản Viên.
Lễ hội đền Và diễn ra "xuân thu nhị kỳ". Hội mùa xuân vào dịp Rằm tháng Giêng kéo dài từ khoảng 13 đến 15 (Âm lịch) với nghi lễ trung tâm là rước long ngai bài vị "Tam vị Đức Thánh Tản" từ đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn ở đền Dội(xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Cứ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì hội Rằm tháng Giêng được tổ chức lớn hơn gọi là hội chính. Hội mùa thu tổ chức vào Rằm tháng Chín, từ 14 đến 15 (Âm lịch) với nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 99 con cá trắng to chế biến thành các món tế Thánh. Việc tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang, về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng đền Và.
Lễ hội Đền Và là một trong những lễ hội lớn của vùng Sơn Tây - Ba Vì, trong hội có lễ rước kiệu thánh từ Đông Cung lên đền thờ Thánh Tản trên núi Ba Vì, tục đánh cá và lễ tắm tượng... Đền Và được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1964.
19. PHỦ TÂY HỒ
Địa chỉ: Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía Đông của Hồ Tây. Phủ Tây Hồ hay gọi phủ Mẫu Tây Hồ thờ bà Chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.
Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.
Phủ Tây Hồ nơi người Hà Nội hay đi lễ vào các ngày mùng một, ngày rằm. Hàng năm vào rằm tháng riêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây và địa danh khác của Hà Nội.
Phủ Tây Hồ còn gắn liền với truyền thuyết về Kim Ngưu (Trâu Vàng) và ở Phủ Tây Hồ cũng dựng một đền thờ là đền Kim Ngưu để thờ thần Trâu Vàng.
Nguồn: Thăng Long
Ảnh: HV
No comments:
Post a Comment