26 February 2015

Những ngôi chùa Hà Nội



1. CHÙA MỘT CỘT (DIÊN HỰU TỰ)

Chùa Một Cột nằm trong quần thể chùa Diên Hựu trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào mùa đông tháng 10 âm lịch nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1409) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi và nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Khi chùa khánh thành, các sư chay đàn, tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch, nhà vua lại đến chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội.

Chùa xây chỉ có một gian gọi là Liên Hoa Đài (đài hoa sen), ta quen gọi là chùa Một Cột, có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) có đường kính 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối, gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá.
Ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng hoa sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng, đặc biệt là sử dụng các cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ như đường lượn của cánh sen, thiết lập sự hài hoà giữa mái và sàn bởi một đối xứng ảo.

Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840 - 1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.



2. CHÙA TRẤN QUỐC
(TRẤN BẮC TỰ)

Soi mình bên bóng nước hồ Tây đã 15 thế kỷ, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất, với bao huyền thoại từ tên gọi Khai Quốc, nay trở thành một di sản văn hóa trong lòng Hà Nội. Chùa Trấn Quốc thuộc địa phận làng Yên Hoa bên bờ sông Hồng (nay nằm trên đường Thanh Niên thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ).

Vào thời vua Lý Nam Đế (544 - 548), chùa có tên là Khai Quốc. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Chùa được dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Sau đó, người ta cho đắp đê Cổ Ngư và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng. Chùa được trùng tu với quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tôngnăm 1639. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.

Đến niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.

Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.

Chùa có lối kiến trúc độc đáo gồm nhiều lớp, nhiều tượng Phật được xếp từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ.... Chùa có 3 nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích nhắc đến việc xây dựng chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Đặc biệt chùa còn có vườn tháp lớn với rất nhiều tháp. Ở khuôn viên chùa có cây bồ đề xum xuê cành lá, đó là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Chùa Trấn Quốc đã sống một cuộc đời riêng, hòa chung trong lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến mà mỗi viên ngói trên mái chùa rêu phong đều mang trong mình một câu chuyện, gợi lên hoài niệm về những kí ức của Hà Nội.






3. CHÙA QUÁN SỨ

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ XV nằm trên địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương; ngày nay là phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở. Năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt.

Tam quan chùa kiểu ba tầng mái, chính giữa là lầu chuông. Đi qua một sân gạch nhỏ, bước lên 11 bậc thềm là tới chính điện, hình vuông, có hành lang bao quanh, điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy, phía trong cùng thờ ba vị Tam thế Phật trên bậc cao nhất. Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ Phật Thích-ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình.

Các nhà chính và nhà phụ chùa Quán Sứ đều rộng rãi. Nơi đây từng là trụ sở báo Đuốc Tuệ. Hiện nay chùa có giảng đường, thư viện, là nơi đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam).





4. CHÙA LÁNG (CHIÊU THIỀN TỰ) 

 Sự tích chùa Láng gắn liền với truyền thuyết Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị cao tăng dưới đời Lý Nhân Tông. Đạo Hạnh tục danh làng Từ Lộ, con viên Tăng quan Đô Án Từ Vinh. Hồi còn trẻ Từ Vinh trọ học ở làng Láng - tức là Yên Lãng, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay - ông lấy bà Tăng Thị Loan và sinh ra Từ Lộ. Do có sự bất đồng dẫn đến hiềm khích mà Diên Thành Hầu đã nhờ Pháp sư Đại Điên đánh chết Từ Vinh. Quyết trả thù cho cha, Từ Lộ vào ẩn trong hang đá Trì Sơn, tu luyện rồi sau đó đánh Đại Điên mang bệnh đến chết. Cởi mối oan nghiệt, Từ Đạo Hạnh tập trung tu học pháp thiền. Ông có hai người bạn đồng đạo gần gũi là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác Hải, cả ba đều biết nhiều pháp thuật. Sau Từ Đạo Hạnh về tu ở chùa Thiên Phúc tức chùa Thầy ở núi Sài Sơn. Tương truyền rằng Từ Đạo Hạnh đã hóa thân và đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu, em vua Lý Nhân Tông, tên là Dương Hoán. Vì vua Lý Nhân Tông không có con, nên Dương Hoán được lập làm Đông Cung Thái Tử và trở thành vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Về sau con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông (1138 - 1175) đã cho dựng chùa Láng để thờ vua cha và tiền thân của cha là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong chùa, ngoài tượng Phật còn có tượng vua Lý Thần Tông và tượng Thánh Từ Đạo Hạnh. Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự với ý nghĩa rằng: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền". Ngày 7 tháng 3 âm lịch là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, trở thành ngày hội chùa Láng. Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy Chiêu Thiền Tự nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 7km về phía Tây. Xưa kia chùa dựng trên một địa thế rất đẹp nằm giữa cánh đồng bao la, chung quanh có những cây muỗm và cây đa cổ thụ khiến cho cảnh chùa thêm u tịch. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu vào giữa thế kỷ XIX với vẻ cổ kính vẫn còn giữ được của một danh lam từ tám thế kỷ trước. Nét độc đáo đầu tiên đập vào mắt du khách là cổng chùa hao hao giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa: đó là một hàng bốn cột hoa kiểu bằng gạch với ba mái cong thanh thoát. Ba mái này không phủ lên đỉnh cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Sân chùa lát gạch Bát Tràng, nối cổng chùa với cửa tam quan. Qua tam quan là một con đường rộng lát gạch, hai bên có tường hoa dẫn tới Bát giác đình, nơi ngày hội đặt tượng Thánh cho dân làng làm lễ dâng hoa. Trong cùng là chùa chính bao gồm tiền đường, tòa thiêu hương, thượng điện, hành lang, nhà tổ, tăng phòng và các gian nhà phụ. Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.






5. CHÙA KIM LIÊN (ĐẠI BI TỰ) 

 Chùa Kim Liên được dựng trên một dải đất ven hồ Tây về phía Bắc, sát chân đê Yên Phụ, nước hồ bao quanh, tựa như một hòn đảo. Từ phía xa, đi trên mặt đê ta đã trông thấy mái chùa màu xám rêu và những ngọn tháp vươn lên giữa những bụi tre xanh thấp thoáng quanh chùa. Hai trăm năm trước, cảnh quan này đã được Phạm Đình Hổ ghi lại trong Tang Thương ngẫu lục: "Chùa xoay lưng ra sông Nhị Hà, Hồ Tây diễu quanh ở trước mặt, khói sóng man mác, trời nước một màu? Đằng phía tả có mấy cái gò, xen lẫn vào trong khoảng nước hồ, tháp gạch xây ở trên, khóm trúc cội tùng phơ phất?". Chùa nằm trên địa phận huyện Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, nên còn được gọi là chùa Nghi Tàm. Xưa kia đây nguyên là chùa Đống Long, dựng từ thời nhà Trần (1225 - 1413) trên nền cũ của cung Từ Hoa có từ thời nhà Lý. Tương truyền rằng Công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) đã đem cung nữ đến mảnh đất này trồng dâu nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang, sau đổi tên thành Tích Ma, rồi phường Nghi Tàm. Năm 1639, dưới triều vua Lê Thần Tông, chùa được tu sửa lại, gọi là chùa Đại Bi. Một bia dựng bên tả sân chùa do Ngô Độn Phu soạn có khắc năm chữ to: Trùng tu Đại Bi Tự. Một tấm bia dựng ở bên tả trong tiền đường do Bùi Huy Cận soạn cũng khẳng định chùa vốn tên là Đại Bi. Đến thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1728) có vị Hòa thượng tên là Huệ, nguyên là nội thị của Chúa Trịnh Uy Vương, đến tu tại đây. Năm 1771 Chúa Trịnh Sâm sai dỡ chùa Bảo Lâm về tu bổ chùa này và đổi tên là Kim Liên. Việc này được ghi lại trong tấm bia do quan Đại học sĩ Phan Trọng Phiên lập. Vào năm 1792 chùa lại được đại tu. mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn. Lần tu sửa gần đây nhất kéo dài từ năm 1983 đến năm 1987 đã phục hồi lại diện mạo ngôi chùa 200 năm trước đây. Chùa Kim Liên gồm ba nếp nhà: chùa hạ, chùa trung và chùa thượng, xếp song song theo kiểu chữ "Tam". Cột xà kiên cố, chạm khắc tinh vi, tường xây gạch cổ dày, không trát vữa. Mỗi nếp nhà có hai tầng mái, kiểu chồng diêm, lớp ngói cổ, với bốn góc đao uốn cong có gắn đầu phượng. Cổng tam quan là một kiến trúc độc đáo bằng gỗ, đượm dáng vẻ cung đình, với những bức chạm nổi trên mặt gỗ hình rồng, hoa văn hết sức tinh xảo. Trong chùa còn lưu giữ đủ các tượng Phật và tượng Bồ-tát. Đặc biệt có pho tượng tạc hình một người trung niên, râu ba chòm, mặc áo văn lĩnh, đầu đội mũ miện, tay cầm hốt ở tư thế đứng. Theo Phạm Đình Hổ, thì tương truyền rằng đó là tượng chân dung Uy Nam Vương Trịnh Giang.








No comments:

Post a Comment