01 May 2016

Bắc Ninh 4.2016

Lần này thăm Bắc Ninh chỉ đến với một bờ của sông Đuống, vì mình chỉ có một buổi chiều, không đủ thời gian thăm hết các đền chùa nơi này. Bờ bắc của sông Đuống "nằm nghiêng nghiêng" trong thơ Hoàng Cầm có hai điểm đến nổi tiếng là Đền Đô và chùa Phật Tích. 

Đền Đô là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 - 1028); Lý Thái Tông (1028 - 1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông (1072 - 1128); Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210) và Lý Huệ Tông (1210 - 1224). 
Đền Đô - còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.
Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được tu sửa và mở rộng, đặc biệt, đền được mở rộng nhất vào thế kỷ 17 (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.
Năm 1952, đền Đô bị phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m²), nhà chuyền Bồng (80m²), nhà Kiệu (130m²), nhà để Ngựa (130m²), Thuỷ đình, Phương đình...











Chùa Phật Tích đã xây dựng hoàn tất so với ba năm trước khi mình ghé thăm đang trong quá trình xây dựng. Tháp và tượng phật to lớn hoành tráng. Đường lên tháp rất đẹp, cây cối xanh tươi. Góc nhìn từ Tháp xuống thành phố cũng tuyệt vời. Chùa nằm bên sườn núi Lạn Kha (Rìu Mục), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích xưa kia là nơi có nhiều nhà tu hành tu luyện. Theo sử sách để lại thì chùa Phật Tích chính là nơi Phật ngự. Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Chùa được hoàn chỉnh vào triều Lý Thánh Tông (1057) và tu bổ khang trang vào năm 1686. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp báu và đúc pho tượng Phật mình vàng. Chùa được xây dựng đại qui mô vào thế kỷ thứ 17. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được xây dựng dần theo qui mô kiến trúc cổ. Hiện tại di vật của chùa còn lại là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá, ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là cao 3m). Chân cột chùa chạm trổ hoa sen và dàn nhạc, các nghệ nhân chơi sáo, tiêu, nhị, đàn tranh, đàn bầu, trống cơm.









No comments:

Post a Comment